Hàng hải

Tìm cơ hội hợp tác, phát triển hàng hải giữa Việt Nam - Ai Cập

26/07/2022, 21:57

Chiều 26/7, hội thảo trực tuyến về hợp tác hàng hải giữa khu kinh tế kênh đào Suez (Ai Cập) và các đối tác Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Hợp tác, phát triển tuyến hàng hải an toàn, hiệu quả

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, dù khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng hai nước đang nỗ lực triển khai các văn kiện để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư như Hiệp định vận tải biển Việt Nam - Ai Cập và Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ GTVT Ai Cập.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì hội thảo về hợp tác hàng hải giữa khu kinh tế kênh đào Suez (Ai Cập) và các cơ quan tại Việt Nam

Khu kinh tế kênh đào Suez có diện tích hơn 461 km2, gồm 4 khu kinh tế và 6 cảng biển, là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất quốc tế. Hàng năm, khu vực này tiếp nhận khoảng 18.000 lượt tàu thuyền.

“Việt Nam rất cần sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, cần sự đầu tư về hệ thống kết cấu hạ tầng, kho hàng, về công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu để hình thành những đội tàu tham gia chuỗi vận tải trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng, không chỉ là nhân lực trong nước mà cho cả quốc tế”, Thứ trưởng Thọ chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cũng bày tỏ mong muốn “Ai Cập thành một đối tác quan trọng, hướng tới hợp tác, phát triển tuyến hàng hải an toàn, hiệu quả”.

Tại hội thảo, các cơ quan Việt Nam cùng các doanh nghiệp cũng như phía lãnh đạo của khu kinh tế kênh đào Suez đã trình bày các vấn đề liên quan tới phát triển lĩnh vực hàng hải của hai bên.

Cần phải nói rằng, khu kinh tế này có những chiến lược phát triển riêng, chia thành 3 giai đoạn. Đồng thời, khu vực này cũng tham gia các Hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa đi qua đều được miễn thuế. Điều đó khiến cơ hội cho khu kinh tế tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Những người đứng đầu khu kinh tế kênh đào Suez cũng cho biết, tầm nhìn trong chiến lược là biến khu vực này thành khu kinh tế hàng đầu thế giới, tích cực đóng góp vào nền kinh tế của Ai Cập.

Một trong những chính sách phát triển là gắn với phát triển bền vững, xây dựng nguồn nhiên liệu tái tạo, sử dụng năng lượng gió, phát triển ngành nhiên liệu xanh, cam kết đảm bảo môi trường...
Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao chiến lược phát triển của Ai Cập khi dồn lực phát triển chiến lược, khai thác triệt để kênh đào thông qua đầu tư kinh tế, cũng như tin rằng thời gian tới, việc hợp tác giữa hai nước trong nhiều vấn đề sẽ phát triển theo hướng tích cực.

img

Bà Elmorsi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ả rập Ai Cập tại Việt Nam đánh giá, hội thảo là bước khởi đầu thành công trong việc hợp tác của hai bên

Về phía Ai Cập, bà Elmorsi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ả rập Ai Cập tại Việt Nam cho rằng, hội thảo là bước khởi đầu thành công và trong thời gian tới, hy vọng hai bên sẽ có nhiều cuộc trao đổi hơn, tổ chức những chuyến tham quan trực tiếp khu kinh tế kênh đào Suez.

Từ đó, phía Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn những tiềm năng hợp tác với Ai Cập và ngược lại, phía Ai Cập cũng hiểu hơn về năng lực và nhu cầu của ngành hàng hải Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển

Từ năm 1958, Việt Nam mở cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập và hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Ai Cập là một trong những nước Ả rập đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng là quốc gia Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2013.

Tới nay, qua 59 năm, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố và thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Ai Cập là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào thị trường châu Phi với nhiều mặt hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia với hơn 3000 km bờ biển, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và tốc độ tăng trưởng cao.

Để phát huy lợi thế này, Việt Nam đã coi phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng và phát triển đất nước để, tới năm 2045, trở thành quốc gia mạnh về biển; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

img

Việt Nam hiện có 34 cảng biển, có 1563 tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam

Về cơ sở hạ tầng cảng biển, Việt Nam hiện có 34 cảng biển đang hoạt động, trong đó có 2 cảng biển cửa ngõ quốc tế. Tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 298 bến cảng với khoảng 93km chiều dài cầu cảng. Tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm.

Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực đã được nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 -50.000 DWT. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm nghìn tấn như Cái Mép – Thị Vải (tiếp nhận tàu 160.000-194.000 DWT), bến cảng Lạch Huyện (tiếp nhận đến 132.000DWT).

Về đội tàu, tính đến tháng 10/2020, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có 1.563 tàu, tổng dung tích khoảng 7,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 12,7 triệu DWT, trong đó đội tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.043 tàu với tổng dung tích khoảng 6,67 triệu GT và 11,3 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (dưới 5.000 GT) và cỡ tàu trung bình (5.000GT đến 10.000 GT).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.