Rơ Mah Binh (người bị cụt chân, ngồi giữa). |
Bỗng dưng bị mất một chân
Năm 2017, anh Rơ Mah Binh (30 tuổi, trú ở làng Ring Răng, xã Dun, huyện Chư Sê) thấy đau khớp khó chịu nên nhờ người nhà chở lên trung tâm y tế huyện Chư Sê khám bệnh. Sau khi thăm khám cho biết, Binh bị bệnh viêm đa khớp.
Thấy người dân địa phương đồn đại bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh (SN 1972) cùng làng chữa được bệnh này bằng tây y nên Binh qua đây tìm cách điều trị. Bà Linh liên tục tiêm cho anh Binh bằng "thuốc lạ" với giá 30 ngàn đồng/liều.
“Mình tiêm từ mùa mưa năm ngoái đến mùa mưa năm nay. Bà Linh hỏi chỗ nào đau rồi tiêm vào ngay chỗ đó. Hồi xưa thì tiêm xong đỡ đau hẳn, mình đi làm việc nuôi con được. Nhưng đầu tháng 10, mình đau lại rồi cũng qua bà Linh tiêm. Nhưng lần này tiêm xong thì cái bàn chân trắng bệch, buốt lạnh. 3 ngày sau thì đen thui chân. Đi lên bệnh viện khám, bác sĩ nói đã bị hoại tử phải cưa chân", Binh kể lại hành trình chữa bệnh bằng "thuốc lạ" của mình với phóng viên.
Từ lần tiêm cuối ấy, bàn chân trái của Binh bị tắc mạch và hoại tử. Các bác sĩ ở huyện và tỉnh khám cho Binh đều có chung kết luận buộc phải cưa chân vì không thể cứu được nữa.
Liên quan đến việc Binh bị cưa chân, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra, loại thuốc bà Linh tiêm cho anh Binh là thuốc giảm đau Declophenat 75 mg. Thuốc này không có tác dụng điều trị bệnh. Dù thế, việc tiêm loại thuốc này phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành y tế vì nó có khả năng xảy ra những tai biến khó lường. Và tiêm loại thuốc này sẽ bệnh ngày càng nặng hơn.
“Trước khi tiêm thuốc vào ổ khớp, bác sĩ phải được đào tạo qua một khoá riêng. Vì việc này có thể dẫn đến tổn thương tại vùng tiêm, tổn thương ổ khớp, nhiễm trùng."
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh người mặc áo hoa. |
Lên mạng tra thuốc để tiêm?
Theo trích lục của cơ quan chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh (SN 1972, trú tại X. Biển Hồ, TP. Pleiku) hiện sống một mình ở làng Dun (huyện Chư Sê).
Bà Linh nói trước đây có học y tá nhưng không xuất trình được bất cứ bằng cấp nào. Khi hỏi việc khám thực hiện ra sao thì bà Linh cho biết đã...lên mạng tìm hiểu và quyết định tiêm thuốc Declophenat 75mg cho anh Binh.
“Tôi từng phụ việc ở phòng khám 30 năm. Tôi bằng cấp không cao nhưng cũng biết các kĩ thuật tiêm cho bệnh nhân. Tôi tra trên mạng thấy đó là thuốc trị viêm đa khớp thì tiêm thôi. Tôi tiêm như thế ít nhất hơn 10 lần rồi, chẳng có vấn đề gì hết. Chẳng may giúp người ta mà lại bị như thế”, bà Linh nói.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã quy định rõ “nghiêm cấm hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi không có chứng chỉ hành nghề”.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Ngành Y tế chỉ quản lý dựa trên giấy phép. Việc để xảy ra tình trạng khám chữa bệnh không phép tại xã Dun (Chư Sê) thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận