Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khoảng 13h20 trưa nay (9/11), trên quốc lộ 13, gần ngã 4 Đất Thánh, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Theo một số người dân có mặt tại hiện trường cho biết, chiếc xe tải đang di chuyển tại địa phận trên thì bất ngờ mất lái tông thẳng vào hàng loạt xe máy đang đi phía trước.
Hàng loạt xe máy bị đâm tại thị xã Thuận An, Bình Dương
Cú đâm mạnh khiến khiến nhiều xe máy văng xa, người bị thương la liệt trên đường. Hiện chưa rõ thương vong về người.
Tại hiện trường, nhiều xe máy bị tông văng, ngã ngửa trên đường. Xe tải và dừng lại bên lề đường. Nhiều đồ đạc của người dân văng tung toé.
Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
TP.HCM đề xuất mở thêm 2 tuyến buýt sông
UBND quận 7 vừa có kiến nghị lên UBND TP.HCM thống nhất cơ chế thí điểm triển khai đầu tư hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy từ quận 1 đi quận 7 theo cơ chế thí điểm nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Hai tuyến buýt sông vừa được đề xuất sẽ nối quận 7 với trung tâm TP.HCM
Đồng thời, quận này cũng kiến nghị TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư - Hợp đồng BOO (hay còn gọi là hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh)
Theo đề xuất của doanh nghiệp, hai tuyến buýt sông từ quận 1 đi quận 7 sẽ thí điểm 5 năm, tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự huy động vốn để đầu tư, khai thác và vận hành.
Hai tuyến buýt sông gồm: số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng). Đơn vị này đề xuất
Trong đó, tuyến buýt sông số 3 dài 13km, từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đến Mũi Đèn Đỏ, thời gian chạy khoảng 56 phút. Ngoài hai bến đầu và cuối, trên tuyến xây 9 bến cho khách lên xuống, trong đó 2 bến thuộc quận 7.
Tuyến số 4 dài hơn 13km, từ trung tâm thành phố theo sông Sài Gòn qua các kênh Tẻ, rạch Ông Lớn, Rạch Đỉa đến Phú Mỹ Hưng, thời gian tàu chạy khoảng một giờ. Tuyến này dự kiến làm 9 bến trên hành trình cùng 2 bến đầu và cuối, bao gồm 4 bến đi qua quận 7. Nhà đầu tư bố trí tàu 30 chỗ khi khai thác tuyến số 4 và 50 chỗ cho tuyến số 3 để phù hợp địa hình các tuyến sông, kênh, rạch.
UBND quận 7 cho biết địa phương có đặc thù địa lý gắn liền với hệ thống sông nước, toàn quận được bao quanh bởi hệ thống sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Phú Xuân, rạch Địa - rạch Dơi, sông Ông Lớn và kênh Tẻ... Việc phát triển hai tuyến buýt sông từ quận 1 đi quận 7 theo đề xuất nêu trên của doanh nghiệp là phù hợp và góp phần tạo thuận lợi giao thông tiếp cận cho các khu vực lân cận.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng hai tuyến buýt sông còn kích cầu phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, tạo sức bật phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hai tuyến này còn tăng cường kết nối giao thông đường thủy, lộ trình buýt sông giữa trung tâm TP đến các khu dân cư đông đúc với mật độ cư dân tập trung khá cao, nhằm chia sẻ và giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông đường bộ và đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân hiện tại và tương lai.
Xe container lật nghiêng trên cầu Thanh Trì, ùn tắc suốt nhiều giờ
Ngày 9/11, chỉ huy Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, tổ công tác của đơn vị đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, phân luồng giao thông vụ tai nạn xe container lật trên cầu Thanh Trì thuộc địa bàn quản lý.
Xe container lật nghiêng trên cầu Thanh Trì, ùn tắc kéo dài suốt 2 giờ
Chiếc container bị lật trên đường lên cầu Thanh Trì hướng đi huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến giao thông tắc cứng
Được biết, vụ lật xe container xảy ra từ khoảng 2h sáng 9/11, xe container BKS 77H - 016.6x kéo theo rơmóoc BKS 77R-035.1x đang lưu thông trên đường vành đai 3 trên cao hướng quận Hoàng Mai đi huyện Gia Lâm, khi đến đoạn lên cầu Thanh Trì thì tự lật.
Chiếc xe lật đã húc đổ cột biển báo hiệu ven đường, kéo đổ nghiêng cột khung biển báo hiệu của tuyến đường. Tại hiện trường, đầu xe container rơi khỏi phần đường dẫn lên cầu, còn thùng xe container vẫn gác lên thành cầu.
Vụ lật xe container xảy ra khoảng 2h sáng 9/11, lực lượng CSGT đang tiến hành phân luồng, hỗ trợ sự cố
Tài xế container được xác định do anh Đoàn Ngọc L. (SN 1986, An Nghĩa, Hoài An, Bình Định) may mắn thoát ra an toàn sau vụ lật xe.
Tuy nhiên, tới giờ cao điểm sáng cùng ngày (9/11), do chưa thể cẩu, kéo chiếc xe container bị lật ra khỏi hiện trường, nên trên tuyến đường trên cao vành đai 3 qua cầu Thanh Trì (Hà Nội) ùn tắc nghiêm trọng.
Hiện tổ công tác Đội CSGT số 14 đang có mặt khám nghiệm hiện trường, phân luồng giao thông qua đoạn tuyến này; hỗ trợ cẩu kéo phương tiện gặp nạn.
Xe bồn húc đổ dải phân cách gây cản trở giao thông
Do đi quá sát, chiếc xe bồn đã đâm vào rào phân cách, cản trở lưu thông các phương tiện làn bên cạnh. Vụ việc diễn ra tại cầu Thanh Trì, Hà Nội sáng nay 9/11.
Nguồn video: Mạng xã hội Giao thông Việt Nam
Hà Nội tổ chức trông giữ xe miễn phí cho khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông
Trước thông tin, nhiều hành khách lo ngại khi đi tàu Cát Linh - Hà Đông bị chặt chém phí gửi xe, chiều 8/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Việt Hải - PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, tại khu vực ga đầu Cát Linh, đơn vị này vừa yêu cầu Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khai thác ô tô trông giữ xe miễn phí cho hành khách đi tàu. Còn tại điểm cuối BX. Yên Nghĩa khách gửi xe và nộp phí theo quy định của bến là 5.000 đồng/xe.
"Hiện công ty này đã thực hiện trông miễn phí theo yêu cầu và có biển thông báo để hành khách biết. Hành khách có thể yên tâm gửi phương tiện cá nhân để đi tàu điện", ông Hải nói.
2 ngày cuối tuần, người dân đổ về ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông để trải nghiệm rất đông
Cũng theo ông Hải, tàu điện Cát Linh - Hà Đông mới đưa vào khai thác, sẽ còn nhiều vấn đề các Sở, ngành của Hà Nội cần điều chỉnh, tổ chức cho phù hợp để thay đổi thói quen đi lại của người dân.
Thông tin về việc bố trí các điểm trông giữ xe tại khu vực các ga, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện tại ga đầu Cát Linh - ga cuối Yên Nghĩa đều được bố trí các điểm trông giữ phương tiện cho hành khách đi tàu.
Còn các ga khác đều được bố trí giao thông công cộng bằng xe buýt để phục vụ khách đi tàu. Hiện Sở GTVT Hà Nội đang lên kế hoạch phối hợp với các quận để bố trí thêm các điểm trông giữ xe phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách.
Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) đề xuất trông giữ xe miễn phí cho hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết, đã đề xuất công an và các đơn vị liên quan như: Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội có phương án tổ chức, sắp xếp, giám sát hoạt động trông giữ xe miễn phí cho hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong 1 tuần đầu; Sau đó, các phường bố trí các địa điểm trông giữ xe chính thức cho người dân theo quy định. Phạm vi trông, giữ xe bán kính tối đa 300 - 400m, không đặt ở trước cửa nhà ga.
Liên quan đến việc các điểm trông giữ xe “chặt chém” tiền vé, đại diện Metro Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này chưa tổ chức các điểm trông giữ ở chân ga.
Các vị trí trông giữ xe được nêu trong sổ tay là các điểm xung quanh ga, nhằm hướng dẫn khách gửi xe. Tới đây, Metro Hà Nội sẽ xem xét để giải quyết vấn đề này.
Một tháng kiểm định hơn 862.000 xe, hết cảnh ùn ứ
Từ giữa tháng 10/2021, các địa phương đều không còn xảy ra tình trạng ô tô ùn ứ chờ kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-07V cho biết, ngay trước khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, đơn vị vận hành theo kế hoạch “3 tại chỗ”, trong đó thực hiện tốt các tiêu chí phòng chống Covid-19, bố trí nhân lực kiểm định phù hợp để có phương án thay thế khi phát hiện trường hợp bị nhiễm dịch và đáp ứng tối đa nhu cầu kiểm định của doanh nghiệp vận tải, người dân. Đến nay, việc thực hiện quy trình phòng dịch Covid-19 đã trở thành nếp, ý thức tự giác nhân viên, đăng kiểm viên và khách hàng đều rất tốt.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ 15/10 đến nay, hoạt động đăng kiểm tại TP.HCM trở lại trạng thái bình thường, không còn ùn ứ phương tiện xếp hàng chờ kiểm định.
“Từ 1/10, ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Đặng Việt Hà đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn hoạt động tối đa công suất, làm thêm giờ và cả ngày nghỉ cuối tuần để giải quyết sự gia tăng cục bộ phương tiện đi đăng kiểm sau những ngày đầu giãn cách.
Từ 15/10, các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM thông thoáng, trở lại nhịp hoạt động bình thường
Với 19 trung tâm đăng kiểm, công suất kiểm định đáp ứng hơn 4.000 xe/ngày, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại thành phố đã đáp ứng nhanh chóng nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp. Sau 2 tuần đã giải quyết xong tình trạng ùn ứ phương tiện chờ kiểm định.
“Theo Cục Đăng kiểm VN, 15 ngày đầu tháng 10/2021, các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM kiểm định, cấp chứng nhận đăng kiểm cho hơn 51.100 xe cơ giới đường bộ, bằng 238% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi ngày có 3.400 xe được tiếp nhận kiểm định, đáp ứng kịp thời nhu cầu kiểm định và giúp giải quyết dứt điểm tình trạng dồn ứ phương tiện sau những ngày đầu nới giãn cách xã hội.
Trong tháng 10/2021, số lượng xe đi đăng kiểm tại TP.HCM đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 86.250 xe, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, tại Hà Nội, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội (từ 21/9), hiện tượng ùn ứ phương tiện đi đăng kiểm cũng chỉ diễn ra trong khoảng 1 tuần, sau đó trở lại trạng thái bình thường, nhiều trung tâm đăng kiểm có lượng xe đến chỉ dưới một nửa công suất thiết kế.
Tại các địa phương khác cũng phải giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 và có lượng phương tiện lớn như: Bình Dương, Đồng Nai… các trung tâm đều duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng phương tiện trên địa bàn không nhiều như TP.HCM và Hà Nội. Lãnh đạo một số trung tâm ở các địa phương trên cho biết, sau khi địa phương nới giãn cách xã hội đều không xảy ra ùn ứ phương tiện chờ kiểm định, các phương tiện vào kiểm định đều được tiếp nhận kiểm định nhanh chóng, thuận lợi tối đa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận