Pháp đình

Tình huống pháp lý vụ cựu phó bí thư tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội

08/11/2023, 16:08

Ông Đinh Tiến Hùng, nguyên phó bí thư thường trực tỉnh đoàn Yên Bái, người vừa được tuyên vô tội, có quyền yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại tổn thất về vật chất, tinh thần.

Ngày 7/11, TAND tỉnh Yên Bái tuyên án các bị cáo trong 2 vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" xảy ra tại huyện Yên Bình giai đoạn 2020-2021. Điều đáng chú ý trong phiên xử này là ông Đinh Tiến Hùng (SN 1984) nguyên phó bí thư thường trực tỉnh đoàn Yên Bái được TAND tỉnh Yên Bái tuyên vô tội.

Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của VKSND tỉnh Yên Bái khi cho rằng ông Đinh Tiến Hùng là "người khởi xướng" trong vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

Chủ tọa phiên tòa thẩm phán Nguyễn Trung Dũng sau đó tuyên ông Đinh Tiến Hùng không phạm tội. Việc giải quyết các quyền và lợi ích của ông Đinh Tiến Hùng sẽ được thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.

Như vậy, quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với ông Hùng về tội danh này là không có căn cứ, hành vi của ông Hùng không cấu thành tội phạm nên đã tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Sau khi Tòa tuyên vô tội, nguyên Phó Bí thư tỉnh đoàn Yên Bái có được phục chức ra sao? - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Quang Vinh, Văn phòng luật Quang Vinh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái trao đổi với phóng viên Báo Giao thông

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Vinh, Văn phòng luật Quang Vinh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái cho rằng: "Tòa án xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội ngay trong phiên tòa hình sự sơ thẩm là việc bình thường. Trong 31 năm hoạt động nghề luật sư đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Tuy nhiên, tại Yên Bái, vụ án này sẽ là tâm điểm quan tâm của giới chuyên môn và những người quan tâm đến vấn đề tư pháp hình sự.

Theo quy định của pháp luật, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền bào chữa, nhờ người bào chữa, nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. 

Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm đối với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất".

Sau khi Tòa tuyên vô tội, nguyên Phó Bí thư tỉnh đoàn Yên Bái có được phục chức ra sao? - Ảnh 2.

Ông Đinh Tiến Hùng (áo trắng) được tuyên vô tội sau khi kết thúc phiên toà chiều 7/11.

Luật sư Phạm Quang Vinh cho biết thêm: "Theo quy định của pháp luật, trường hợp điều tra, truy tố không đúng quy định pháp luật gây oan sai, người ký các quyết định, những người tham gia hoạt động tố tụng trong vụ án này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể phải xin lỗi và bồi thường oan sai.

Người bị khởi tố oan sai, bị truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được phục hồi các quyền cơ bản của công dân, trong đó sẽ được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc.

Tuy nhiên, đây chỉ là bản án sơ thẩm, rất có thể VKSND tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án này, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo Hùng không phạm tội. Trường hợp có kháng nghị, bản án này chưa có hiệu lực pháp luật và hồ sơ sẽ được chuyển đến tòa án cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm.

Trong vụ án này, nếu ông Hùng không kháng cáo và viện kiểm sát không kháng nghị phần xét xử đối với ông Hùng trong thời hạn luật định, phần này mới có hiệu lực pháp luật.

Bởi vậy, phải chờ 15 ngày, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) mà không có bất kỳ kháng cáo kháng nghị nào đối với phần bản án này, quyền lợi của ông Hùng mới được xem xét phục hồi theo quy định của pháp luật. 

Đây là vụ án phức tạp, quan điểm của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Yên Bái và quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm là khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án tuyên bố bị cáo không phạm tội là khá bất ngờ. 

Thông thường, những vụ án mà tòa án xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội là những vụ án kéo dài nhiều năm, có sai sót về đánh giá chứng cứ, về quy trình tố tụng. Tuy nhiên, những năm gần đây, những vụ án oan sai đã giảm đi nhiều. 

Thực tiễn tố tụng cho thấy, những vụ án mà khởi tố, điều tra, truy tố nhưng không có căn cứ để kết tội đối với bị can (do không chứng minh được tội phạm) thì thông thường sẽ kết thúc bằng quyết định đình chỉ điều tra, vụ án đẩy ra đến tòa án để xét xử và tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội là hiếm khi xảy ra trong những năm gần đây.

Tuyên một bản án có nội dung bị cáo không phạm tội như vậy phần nào thể hiện sự khách quan của hội đồng xét xử và có thể sẽ được dư luận đồng tình ủng hộ. Còn đối với nội dung bản án, kết quả xét xử thì phải căn cứ vào kết quả điều tra, truy tố và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Việc bị cáo có tội hay không có tội do hội đồng xét xử quyết định theo đa số, căn cứ vào quy định pháp luật, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Tòa án cấp sơ thẩm có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội nếu bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với nội dung kháng cáo hoặc sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, điều tra lại.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.