Cần làm rõ tài xế ô tô có lỗi hay không?
Khoảng 14h ngày 16/7, tại Km78+700 cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ việc xe tải tông vào người phụ nữ đang đi bộ khiến người này tử vong tại chỗ. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế xe tải đã điều khiển ô tô rời khỏi hiện trường.
Sau đó, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phát thông báo truy tìm chủ phương tiện gây tai nạn. Tối cùng ngày, tài xế xe tải đã ra trình diện.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và những người đi bộ, xe đạp, xe máy, cố ý vào cao tốc. Vì vậy, dư luận băn khoăn, liệu tài xế ô tô sẽ đối diện tình huống pháp lý nào.
Chiếc xe tải tông tử vong người phụ nữ đi bộ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Luận bàn về trường hợp này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cao tốc là tuyến đường dành riêng cho xe cơ giới và nghiêm cấm người đi bộ, xe đạp, xe máy vào.
"Việc người đi bộ, xe đạp, xe máy vào đường cao tốc là vi phạm pháp luật. Nếu những người này vào đường cao tốc đột ngột, ở góc khuất, tầm quan sát hạn chế khiến những tài xế ô tô không phát hiện ra, không kịp xử lý thì tài xế ô tô không có lỗi, kể cả hậu quả vụ tai nạn làm chết người. Với trường hợp này, tài xế ô tô không phải chịu trách nhiệm hình sự, cũng không phải bồi thường thiệt hại", luật sư Lực phân tích.
Theo luật sư Lực, tài xế ô tô chỉ được coi là có lỗi, có thể xem xét một phần trách nhiệm khi người đi bộ, xe đạp, xe máy trên đường cao tốc đã có tín hiệu cảnh báo, tài xế có đủ thời gian, đủ khoảng cách để giảm tốc độ, tránh được nạn nhân nhưng lại chủ quan không thực hiện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
"Tài xế ô tô chỉ phải bồi thường trong trường hợp bản thân có lỗi hoặc cả hai bên đều có lỗi. Trong trường hợp vụ tai nạn xảy ra mà lỗi hoàn toàn thuộc về người đi bộ, xe đạp, xe máy vào cao tốc thì tài xế ô tô không phải bồi thường thiệt hại", ông Lực khẳng định.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Người đi bộ vào đường cao tốc phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tai nạn xảy ra
Luật sư Quách Thành Lực cho biết, tại Khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Theo luật sư Quách Thành Lực, cho dù bất kỳ trường hợp nào thì người đi bộ, xe máy, xe đạp cũng không nên tham gia giao thông trên đường cao tốc, trừ trường hợp những người đang làm nhiệm vụ.
Có như thế mới tránh được thiệt hại cho bản thân mình, đồng thời cũng không kéo theo những hệ lụy pháp lý phiền phức không đáng có, cho những người điều khiển phương tiện giao thông trên cao tốc.
Hành vi đi bộ, chạy băng cắt qua đường cao tốc là hành vi nguy hiểm, vi phạm pháp luật. Những tình huống như thế này hoàn toàn có thể gây ra một vụ tai nạn. Rất khó để tài xế ô tô chạy trên đường cao tốc có thể xử lý được tình huống bất ngờ này.
Như vậy, trường hợp người đi bộ, xe đạp, xe máy vào đường cao tốc, tai nạn xảy ra thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn trường hợp người đi bộ, xe đạp, xe máy vào đường cao tốc gây tai nạn nhưng đã tử vong thì trách nhiệm hình sự với họ sẽ không được đặt ra.
Gây tai nạn rồi bỏ trốn là vi phạm pháp luật
Về hành vi lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường của tài xế xe tải, luật sư Quách Thành Lực cho biết, điểm b, khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ quy định, tài xế ô tô phải có trách nhiệm ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.
Trừ trường hợp tài xế ô tô cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng thì có thể rời đi, nhưng rời đi là để đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Hiện, chưa có hướng dẫn về việc trong bao lâu sau khi xảy ra tai nạn thì những người liên quan phải có mặt tại trụ sở công an để khai báo, nhưng điều luật nêu trên cho thấy, người gây tai nạn chỉ có ba lựa chọn: Ở lại hiện trường, đến cơ sở y tế hoặc đến cơ quan công an. Nếu người gây tai nạn không có mặt tại một trong ba địa điểm trên, họ hoàn toàn có thể bị quy kết là bỏ trốn.
Còn nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng vì hành vi bỏ trốn này, người gây tai nạn phải đối diện với hình phạt tù theo điểm c, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự "Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn" với mức phạt từ 3-10 năm tù.
"Trong trường hợp bỏ trốn và cố ý không cứu giúp người đi bộ bị nạn, kể cả tài xế có đi đúng luật thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận