Kinh tế

“Tò mò” - bí quyết của các bộ óc siêu việt nhất thế giới

19/01/2022, 11:03

Cuộc giao lưu với Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture sáng 18/01 là cơ hội hiếm có cho các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam.

Đây là cơ hội hiếm có cho các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam khi được truyền cảm hứng và kinh nghiệm quý báu từ các nhà khoa học xuất chúng nhất thế giới

Luôn giữ bộ óc tò mò và đặt câu hỏi

Chia sẻ tại sự kiện mở màn cho Tuần lễ Khoa học VinFuture - chương trình “Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng”, các tên tuổi bác học hàng đầu thế giới đều có chung quan điểm mọi thành tựu nghiên cứu đều là sản phẩm của những bộ óc tò mò và niềm đam mê khám phá những điều mới mẻ.

GS. Sir. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, khẳng định tò mò là một đặc tính căn bản trong con người. Từ đặc tính chung đó, mỗi người lại có mối quan tâm và sự tò mò với vấn đề, lĩnh vực khác nhau.

img

GS. Sir. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture

“Sự tò mò chính là khởi đầu của hành trình khoa học. Cốt lõi của khoa học là quan sát để đưa ra câu hỏi. Hiểu về thế giới xung quanh ta sẽ thấy nhiều thứ ngạc nhiên và tìm được ra con đường cho riêng mình”, chủ nhân Giải thưởng Millennium Technogoly 2010 phân tích.

Để mở mang tri thức, GS. Friend khuyên người trẻ nếu đọc các nghiên cứu khoa học thì phải bằng tư duy phản biện để vừa không bị “ngợp” lại vừa phát hiện những điều không hợp lí. Ông cũng động viên những người trẻ phải tự tin nắm bắt những điều bất trắc bởi nếu không có bất trắc thì không cần đến vai trò của nhà khoa học.

Đồng quan điểm, GS Đặng Văn Chí, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cho rằng người trẻ phải nắm vững kiến thức của bản thân, hiểu về các nghiên cứu sẵn có trong lĩnh vực của mình để xác định đâu là khoảng trống. Vị giáo sư tại Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ hãy chọn một câu hỏi bản thân quan tâm để đi sâu tìm hiểu. Trong sự nghiệp, bước ngoặt của các nhà khoa học lớn là đặt ra câu hỏi chưa từng được đặt ra.

“Chúng tôi chắc chắn đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa từng. Nhiều ý tưởng thất bại. Nhưng ta cũng phải đặt thêm là vì sao thất bại? Ta luôn đặt ra câu hỏi, có thể sai, có thể không đi đến đâu nhưng hỏi nhiều sẽ ra câu hỏi đúng”, GS. Đặng Văn Chí gợi mở.

img

GS Đặng Văn Chí, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Trong khi đó, với những người có đam mê nhưng chưa đủ năng lực, GS. Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ), Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, đưa ra lời khuyên là hãy theo đuổi ước mơ. Theo bà, cái đẹp của nghiên cứu khoa học là con người được tự do theo đuổi, mạnh dạn bước vào vùng đất mới. Ban đầu có thể chưa chắn chắn nhưng phải thử đi mới biết đúng hay sai.

“Hãy cố gắng tiếp cận vươn ra ngoài, vượt ra khỏi vùng an toàn để học được cái mới. Nếu ta không gõ vào cánh cửa nào thì cũng sẽ không có cánh cửa nào mở ra cả. Từ kinh nghiệm hỗ trợ nghiên cứu sinh từ nhiều nước, tôi cho là không ai ngăn chúng ta ước mơ và vươn tới ước mơ, chỉ có chúng ta mà thôi”, nữ Giáo sư gốc Việt, đồng Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhận định.

Đặt con người làm trung tâm và hình thành cộng đồng nghiên cứu

Bàn sâu hơn về động lực nghiên cứu, GS. Albert P. Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, cho rằng Giải thưởng VinFuture đã dạy cho chúng ta một bài học đáng quý, đó là hãy dành tình yêu cho con người.

“Nếu tập trung vào những lĩnh vực tác động tới con người thì nhà nghiên cứu sẽ sớm hái được trái ngọt”, chủ nhân của 20 bằng sáng chế, đồng sáng lập của 10 công ty khởi nghiệp nói.

img

Các Giáo sư trong Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo VinFuture giao lưu sáng ngày 18/1.

Tiếp lời GS. Pisano, GS. Đặng Văn Chí chia sẻ câu chuyện của bản thân như để chứng minh cho nhận định này. Ông kể, năm 2011, người thân của ông qua đời vì ung thư. Ông đã tự chất vấn làm sao chăm sóc người bệnh tốt hơn, làm sao để không có nhiều người phải chịu cảnh như anh mình.

“Tôi hiểu cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu, đó là cơ hội duy nhất giúp chúng ta cải thiện cuộc sống của người bệnh”, GS. Chí chia sẻ góc nhìn của bản thân.

Nhận định về lĩnh vực “hot” của tương lai ngoài Khoa học sức khỏe, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Năng lượng, GS. Friend cho rằng sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng. Nếu quan sát, đọc, tìm các vấn đề nhức nhối trên toàn cầu trong thế kỉ tiếp theo thì một số lĩnh vực đã có tiến bộ rõ rệt như: sử dụng đất, sử dụng nước, quản lí phát thải carbon… Đây là các lĩnh vực được cả thế giới quan trong trong hiện tại cũng như tương lai.

“Tôi không muốn nói cụ thể về lĩnh vực nào cả. Dù là lĩnh vực phạm trù nào khi có óc quan sát, thấu hiểu, mày mò, có sự lượng hóa, đánh giá vấn đề đang xảy ra, hoàn toàn có thể mang lại tác động toàn cầu, không hạn chế ở một hay hai lĩnh vực nào đó”, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture nói.

Cha đẻ của công nghệ OLED cũng chia sẻ với khó khăn của các nhà nghiên cứu tại Việt Nam khi chưa xây dựng được cộng đồng khoa học trẻ. Ở nhiều trường đại học có tiếng trên thế giới, để có thể phát triển được một số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì cần phải xây dựng được nền tảng là lực lượng nhân tài, những người được truyền cảm hứng để tìm tòi.

“Cần có diễn đàn chung để mọi người chia sẻ với nhau và cần tạo được văn hóa Can-do (có thể làm được) trong khoa học”, vị Giáo sư Cambridge nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture khẳng định hợp tác là thiết yếu trong hành trình khoa học. Cộng đồng hợp tác phải bắt đầu từ chính bậc cử nhân, đến khi làm nghiên cứu sinh thì đã có mạng lưới, hành trình hợp tác rồi. Đặc biệt, sự hợp tác không chỉ trong phạm vi một trường hay viện nào mà là trên toàn cầu.

“Thông điệp mà VinFuture mang lại là một giải thưởng toàn cầu, mang lại sự hợp tác và khuyến khích sự hợp tác toàn cầu giữa các nhà khoa học”, GS. Friend đánh giá.

Tiếp nối sự kiện ngày 18/1, Tuần lễ khoa học VinFuture sẽ có 3 hoạt động chính trong các ngày tiếp theo:

Ngày 19/1: Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”

Ngày 20/1: Vào 20h10, Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất sẽ chính thức diễn ra và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế

Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture

Để đảm bảo an toàn cho sự kiện tầm cỡ thế giới, ban tổ chức đã có phương án kiểm soát và xét nghiệm Covid-19 cho các khách mời tham gia theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.