Bị cáo Châu Thị Thu Nga, cựu ĐBQH muốn khai về khoản tiền 1,5 triệu USD "chạy" ĐBQH nhưng không được toà đồng ý |
Ngày 5/10, phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga cùng 9 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4. Khi luật sư đặt câu hỏi về khoản tiền hàng chục tỷ mà bị cáo Châu Thị Thu Nga – cựu ĐBQH khai dùng để "chạy" đại biểu Quốc hội, chủ tọa đã không chấp nhận để bị cáo nói vì công an đang điều tra. Việc không cho bị cáo khai về nội dung này là có căn cứ.
Căn cứ Điều 197 Bộ luật tố tụng hình sự, nội quy phiên tòa quy định tại phiên tòa mọi người đều phải có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.
Như vậy, tại phần xét hỏi các bị cáo, nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa xét thấy việc đặt câu hỏi của Kiểm sát viên, Luật sư nếu không cần thiết hoặc đã được Hội đồng xét xử xét hỏi thì có quyền yêu cầu đặt câu hỏi khác.
Trong vụ án này, hành vi phạm tội của bị cáo Châu Thị Thu Nga bị VKSND Thành phố Hà Nội quy kết dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt với số tiền 377 tỷ đồng của khách hàng. Do vậy, việc bị cáo khai dùng số tiền chiếm đoạt đó sử dụng vào mục đích gì là quyền của bị cáo.
Bị cáo sử dụng tiền chiếm đoạt đó vào các việc làm trái pháp luật khác cũng không làm thay đổi bản chất hành vi phạm tội. Bị cáo khai dùng tiền đó vào việc đưa hối lộ, hay hành vi vi phạm pháp luật khác đã được Cơ quan điều tra tách ra để điều tra làm rõ xử lý sau khi có đủ căn cứ. Quan trọng đến thời điểm xét xử, bị cáo đã khắc phục được phần nào hậu quả chiếm đoạt đối với các bị hại hay chưa.
Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm quyền sở hữu thì rất nhiều các bị can, bị cáo sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn của bị hại đã không thu hồi được với lý do dùng tiền chiếm đoạt thực hiện các hành vi trái pháp luật như đưa hối lộ, đánh bạc, bị lừa do đưa tiền cho người khác… Nhưng các bị can, bị cáo đều không đưa ra các chứng cứ vật chất chứng minh, ngoài lời khai của mình nên Cơ quan điều tra thường tách hành vi này ra để điều tra làm rõ sau.
Vì vậy, việc tách hành vi này không ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản đối với các bị hại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận