47 năm sau ngày thống nhất đất nước, diện mạo đô thị của TP.HCM không ngừng đổi thay, phát triển. Đối với mạng lưới giao thông của một đô thị có nhiều sông rạch chia cắt, những công trình vượt sông đã và đang giữ yếu tố đột phá, giúp gắn kết, tăng tốc giao thương.
Cũng từ đó, góp phần hình thành nên một trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Việt Nam. Các công trình vượt sông chắp cánh cho mạng lưới giao thông đô thị tại TP.HCM ngày càng hoàn thiện:
Cầu Sài Gòn là cây cầu cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Năm 2013, cầu Sài Gòn 2 được khánh thành, mở ra hướng phát triển về phía Đông của thành phố, giảm áp lực giao thông lên cầu Sài Gòn cũ. Ngay bên cạnh cầu Sài Gòn, một cây cầu khác cũng đã hoàn thiện phục vụ cho hệ thống đường ray tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Cầu Bình Lợi nằm trên tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi là cửa ngõ quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất. Từ khi có tuyến đường này giao thông khu vực phía Đông cửa ngõ Tân Sơn Nhất đã được giải toả rất tốt.
Cầu Bình Triệu 1 và 2 cũng bắc qua sông Sài Gòn hướng từ bến xe miền Đông đi ra các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và lên Tây Nguyên. Từ khi có cầu Bình Triệu 2 đã góp phần giải toả cho giao thông khu vực cửa ngõ bến xe miền Đông.
Một cầu khác tuy nhỏ là cầu Kinh bắc qua bán đảo Thanh Đa. Đây là cây cầu có ý nghĩa phá thế "bị cô lập" vì đã kết nối bán đảo này với các quận khác của thành phố.
Cầu Phú Mỹ được xây dựng và hoàn thành năm vào năm 2009 theo hình thức BOT. Đây là cây cầu quan trọng kết nối khu vực phía Nam, quận 7 của thành phố, trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng và quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức.
Quy hoạch của TP.HCM, để kết nối quận 7, quận 4, quận 1 vào khu đô thị Thủ Thiêm, sẽ có đến 5 công trình vượt sông. Hiện nay, thành phố đã hoàn thành 3 công trình bao gồm: hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm (Thủ Thiêm 1) và cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2).
Hầm Thủ Thiêm, sau này đổi tên thành hầm vượt sông Sài Gòn là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á. Hầm vượt sông được xây dựng bởi sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản kết nối đại lộ Đông Tây, xuyên suốt từ Bình Chánh qua các quận 8, 6, 5, 1 và qua TP Thủ Đức ngày nay.
Cầu Thủ Thiêm (Thủ Thiêm 1) được hoàn thành vào cuối năm 2007, nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), mở ra một hướng phát triển mới cho khu đô thị Thủ Thiêm và cả khu vực phía Đông, từ đó nhiều nhà đầu tư đã đến với khu đô thị mới này. Những dự án bất động sản tỷ USD được hình thành.
Cầu Ba Son (tên gọi cũ là Cầu Thủ Thiêm 2) bắc qua sông Sài Gòn khánh thành tháng 4/2022. Đây là cây cầu quan trọng, kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị phía Đông, đặc biệt là khu đô thị Thủ Thiêm. Cầu Ba Son kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) dài gần 1,5 km với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM cho đến nay.
Theo quy hoạch, vị trí cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản (quận 4), băng qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn), vượt sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2)
Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 sẽ bắt đầu từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để vào đường Lưu Trọng Lư. Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn kết nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận