Đời sống

Tốc độ sụt lún đất ở miền Tây đang nhanh hơn nước biển dâng

26/11/2021, 20:14

Theo số liệu từ Bộ TN-MT, sụt lún đất ở ĐBSCL là 1 cm/năm, có những nơi 5,7 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm.

Sụt lún đất ở ĐBSCL đang nhanh hơn so với nước biển dâng, điều này cho thấy nếu không có giải pháp để giảm thiểu, hạn chế sụt lún trong thời gian tới thì tương lai không xa nước biển sẽ gây ngập tại những vùng trũng thấp, cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo chia sẻ các kết quả nghiên cứu bước đầu về “Quản trị nước ngầm và sụt lún đất vùng ĐBSCL” diễn ra bằng hình thức trực tuyến ngày 26/11, Dự án do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Bộ TN-MT hợp tác thực hiện.

img

Tốc độ sụt lún của ĐBSCL đang nhanh hơn nước biển dâng. Trong ảnh: triều cường gây ngập một số tuyến đường ở Cần Thơ.

Tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm và có hai nguyên nhân dẫn tới sụt lún ở ĐBSCL là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát thời gian qua đã dẫn tới thực trạng trên. Theo số liệu từ Bộ TN-MT, sụt lún đất ở ĐBSCL là 1 cm/năm, có những nơi 5,7 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho rằng, sụt lún đất là vấn đề cấp bách đối với vùng ĐBSCL, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mất đất, gia tăng lũ lụt. Nguyên nhân của vấn đề là khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Với tốc độ sụt lún nhanh hơn nước biển dâng, những vùng trũng thấp sẽ bị ngập.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ rõ, nguyên nhân chính của sụt lún do con người gây ra, đó là việc khai thác nước ngầm quá mức trong thời gian qua. Gần đây, hạn hán, ô nhiễm và xâm nhập mặn đã làm trầm trọng thêm việc sử dụng nước ngầm, đặc biệt vào mùa khô.

img

Việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát dẫn tới ĐBSCL sụt lún 1 cm mỗi năm. Và mỗi khi triều cường lại gây ngập ở nội ô TP Cần Thơ.

Với tốc độ sụt lún ở ĐBSCL như hiện nay sẽ đe dọa những diện tích trũng của đồng bằng và việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát dẫn tới nguồn nước bị ô nhiễm và bị xâm nhập mặn.

Trước những thách thức đặt ra, cần tăng cường sử dụng nước mặt để thay thế sử dụng nước ngầm; khôi phục các sông ngòi và hạn chế lúa vụ 3 ở những vùng nguy cơ hạn mặn, thiếu nước sản xuất và thực hiện có hiệu quả Nghị định 167 của Chính phủ về quản lý nguồn nước ngầm.

“Việc khai thác nước ngầm gây ra nhiễm mặn cho tầng nước ngầm, cứ lấy 1m3 nước ngầm lên là sẽ có 13m3 nước ngọt dự trữ bị mất do xâm nhập mặn tự nhiên bị hòa lẫn với nước ngầm, nước lợ.

Dự báo nếu vẫn tiếp tục đến 2100, chúng ta bị chìm dưới biển do khai thác nước ngầm. Chúng ta giảm được khai thác sẽ giảm được tốc độ sụt lún. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đưa ra Nghị định 167 về việc phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nêu vấn đề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.