Buổi chiều, một cuộc điện thoại của y tế phường gọi cả nhà đi test Covid-19. Lần lượt từ mẹ, dì, em tôi và đứa cháu 17 tháng tuổi có kết quả test nhanh dương tính.
Chờ đến lượt test, tôi vẫn đinh ninh "chắc con virus nó chừa mình ra", bởi tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nửa tháng nay rồi. Khi nhận kết quả “2 vạch”, tôi vẫn ngờ ngợ, chờ xét nghiệm PCR.
Sau 3 ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR, cả nhà tôi 5 người bị dương tính.
Tôi chới với vì có chỉ số CT thấp nhất (22), thuộc diện lây nhiễm cao phải đi điều trị tập trung, dù… cảm thấy mình bình thường(!).
Trong khi, đứa cháu tuổi còn bú mẹ đang bị sốt nhưng chỉ số CT trên 28. Và dì tôi dù mới tiêm vắc xin mũi 1 nhưng có chỉ số CT trên 30. Tôi thấy người mình đông cứng lại.
Trước khi biết bị nhiễm Covid-19 khoảng một tuần, tôi có biểu hiện sốt, viêm họng, sổ mũi, nhức đầu… Nhưng vẫn nghĩ chỉ bị cảm cúm bình thường. Tôi sức khỏe tốt, đã tiêm 2 mũi đầy đủ thì “con virus khó mà tấn công”, bụng luôn bảo dạ. Rành rành là sau 5 ngày đã khỏi cảm cúm, không còn viêm họng, hết sổ mũi.
Nhưng cơ thể tôi có những biểu hiện khác. Rất dễ mệt, rồi yếu đi… Chỉ đến khi chịu đi test tôi thì mới biết đã bị nhiễm lúc nào không hay. Tôi giật mình: Nếu như cứ chần chừ không đi test nhanh Covid-19 để sớm phát hiện và điều trị, chắc rằng tôi sẽ ủ bệnh, bị nặng hơn và khả năng lây nhiễm cho cộng đồng rất cao.
Khi biết nhiễm bệnh, tôi tự “truy vết” nhưng chịu, không biết mình bị nhiễm từ đâu, khi nào vì ngày thường công việc của nhà báo là vẫn ra ngoài đi làm nơi này nơi kia, đi chợ tiếp xúc với nhiều người (dù luôn tuân thủ 5K).
May mắn là tôi đã không lây nhiễm cho ai ở tòa soạn vì hầu hết mọi người làm việc online.
Lúc này điều tôi quan tâm hơn là chấp nhận sự thật, chăm sóc bản thân, thực hiện 5K nghiêm ngặt, cách ly với mọi người và giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Sau một tuần bị nhiễm, tôi thấy mình ổn định trong tình trạng… yếu hơn bình thường.
Khứu giác lúc có lúc không. Những lúc ngửi được mùi là mừng lắm. Nói là lạc quan chứ lắm lúc cũng nghĩ quẩn, thoáng qua thôi. Con trai tôi còn nhỏ và đang vào năm học mới mà.
Theo các tài liệu thống kê được công bố, có khoảng 50-60% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng; 30% triệu chứng nhẹ giống cảm cúm thông thường (như tôi); 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO.
Con số này cho thấy, những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm tới 90% số ca mắc Covid-19. Và đây cũng là con số có nguy cơ chuyển nặng rất lớn nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm để điều trị.
Một bác sĩ điều trị bệnh nhân F0 ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho biết: Covid-19 đã quật ngã cả những thanh niên khỏe mạnh.
Những người này phần lớn do bị nhiễm nhưng không biết, ủ bệnh, điều kiện sinh hoạt kém (người nghèo, người ở trong khu trọ chật chội, ẩm thấp…), ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu, đuối sức dần và đó là cơ hội để con virus quái ác hạ cú knock-out!
Cho nên, để biết mình nhiễm bệnh hay không, phải chủ động tầm soát. Cơ hội sống là lúc này.
Covid-19 vẫn đang hoành hành. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới ngày càng nguy hiểm. Vaccine vẫn đang trong cuộc rượt đuổi và đó cũng chỉ là biện pháp phòng vệ của loài người. Đó không phải là tất cả.
Không còn cách khác, phải “sống chung với Covid-19”. Loài người phải đối diện với cuộc sống không ngừng thay đổi. Đừng mơ về những ngày tháng cũ nữa.
Để tồn tại, tôi nghĩ con người phải hành động, phải thay đổi hành vi để thích nghi.
Vừa là sự chủ động để bảo vệ bản thân, cộng đồng; vừa tìm kiếm giải pháp làm ăn. Ở tầm quản trị quốc gia là tìm kiếm những giải pháp thích ứng mới cho nền kinh tế.
Dịch bệnh, muốn hay không, là một phần của cuộc sống. Dù vì bất kỳ lý do gì, đừng nghĩ mình bất khả xâm phạm, không bao giờ nhiễm bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận