Người dân vùng bị nạn tại Sulawesi khóc nấc khi mất hết người thân và nhà cửa |
Thảm cảnh không nhà của 70.000 người sẽ kéo dài
Trận động đất 7,5 độ richter và sóng thần cao 6m tấn công đảo Sulawesi ngày 28/9 đã khiến nhiều đường sá, nhà cửa, công trình công cộng chỉ còn lại một đống đổ nát, đẩy những người còn sống vào cảnh màn trời chiếu đất hoặc bị tách biệt khỏi các vùng xung quanh.
Cơ quan Ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) đã dự đoán số người chết ở Sulawesi sẽ còn vượt xa con số 1.944 người vì một số khu vực như Palu, Donggala và Mamuju vẫn chưa được tiếp cận và khoảng 5.000 người vẫn còn mất tích.
Theo BNBP, công tác tìm kiếm sẽ dừng lại vào ngày 11/10, những nạn nhân còn mất tích sẽ bị coi như đã chết. Những khu vực bị xóa sổ ở Palu sẽ là những ngôi mộ tập thể do nhiều nạn nhân có thể đã bị nuốt chửng khi đất hóa lỏng.
Trước thảm họa tại Sulawesi gần 2 tháng, một loạt các trận động đất cũng đã tấn công đảo Lombok, ở tỉnh Tây Nusa Tenggara, khiến 500 người chết và hơn 110.000 người phải di tản. Khoảng 445.000 người sống sót trong các trận động đất này vẫn đang phải sống trong các lều tạm trú, nơi bệnh dịch, sốt rét đang hoành hành.
Trả lời vì sao những nỗ lực tái thiết tại Lombok vẫn chưa bắt đầu, các quan chức địa phương nói rằng, chỉ có khoảng 34.000 trong số 150.000 ngôi nhà bị hư hại trên đảo đủ điều kiện hưởng tài trợ tái thiết từ Chính phủ.
Trong khi đó, việc dọn dẹp mặt bằng mất khoảng 4 tháng, còn việc xây nhà tạm trú lại phải mất 6 tháng và không được tài trợ bởi nguồn quỹ Chính phủ cũng như hậu quả của việc khước từ viện trợ từ nước ngoài.
Vì vậy, nếu Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục chính sách này, các nạn nhân của thảm họa ở Sulawesi có thể cũng sẽ tiếp tục lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trong nhiều tháng tới như ở Lombok.
Vượt qua trở ngại chính trị
Phát ngôn viên của BNBP Sutopo Purwo Nugroho ngày 8/10 nói rằng, một quỹ cứu trợ thiên tai trị giá 4 nghìn tỷ rupiah (274 triệu USD) do Bộ Tài chính Indonesia (Chính phủ quản lý) sẽ được dành để tái thiết cho cả Lombok và Sulawesi.
Cách đây 2 ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm thứ hai tới Palu. Ông Widodo, người đang vận động chiến dịch tái tranh cử nhấn mạnh rằng, những nỗ lực cứu trợ đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, chính trị gia này cũng thừa nhận việc chậm trễ phân phối nguồn viện trợ khẩn cấp, đặc biệt là trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngay sau thảm kịch ngày 28/9, ông Widodo cũng có dấu hiệu hoan nghênh viện trợ quốc tế, trái ngược với phản ứng sau các trận động đất ở Lombok, nơi các nhân viên cứu trợ nước ngoài không được chào đón.
Theo BNPB, Indonesia đã không chính thức tuyên bố một thảm họa cấp quốc gia kể từ khi sau trận sóng thần xảy ra vào tháng 12/2004 khiến hơn 100.000 người chết tại tỉnh Aceh, Bắc Sumatra. Vì thế, viện trợ quốc tế sẽ không được hoan nghênh nếu không có chỉ thị từ Tổng thống.
Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Widodo lo ngại bị coi là yếu đuối nếu ông chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài quá dễ dàng; Trong khi đó, theo nhiều nhà quan sát, có thể có một phản ứng chính trị từ dân chúng nổ ra nếu Indonesia không thể tự xử lý thảm họa.
Cuối cùng, ngày 9/10, Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto đã thay mặt Tổng thống Widodo thông báo rằng, Tổng thống đã quyết định nhận viện trợ từ nước ngoài và nói rằng, “giúp đỡ lẫn nhau là một truyền thống quốc tế cần phải đánh giá cao”.
Chris Lamb, cựu Đại sứ Australia hiện đang làm tư vấn viện trợ nhân đạo cho rằng: “Trường hợp khẩn cấp tại Sulawesi đã cho chính quyền Indonesia thấy sự cần thiết của việc nhận viện trợ quốc tế”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận