Thế giới

Tổng thống Nga mang thông điệp gì đến Saudi Arabia?

19/10/2019, 06:00

Sau 12 năm “đóng băng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm đầu tiên tới Saudi Arabia.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà vua Salman tham dự lễ đón chính thức tại Riyadh

Chuyến thăm chính thức thứ hai tới Vương quốc dầu mỏ giàu có tại Trung Đông của ông Putin vừa diễn ra trong bối cảnh khá nhạy cảm, bởi đây đều là các đồng minh của Mỹ.

Cầu nối Iran - Saudi Arabia

Sở dĩ nói bối cảnh Trung Đông, nhất là tại Saudi Arabia lúc này nhạy cảm bởi vương quốc dầu mỏ vừa hứng chịu vụ tấn công nghiêm trọng bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu mà Riyadh nghi ngờ do Iran chủ mưu chỉ đạo thực hiện.

Vài tháng qua, khi căng thẳng giữa hai bên tăng cao và diễn biến theo hướng xung đột, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông có thể đóng vai trò tích cực xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Riyadh, thiết lập quan hệ mạnh mẽ với cả hai bên qua các hoạt động như chuyến thăm lần này.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định, vai trò của Nga chỉ dừng ở mức kết nối chứ không phải là trung gian hòa giải. Bởi, “tôi tin rằng, các đối tác của chúng tôi là Iran và Saudi Arabia không cần bất cứ hoạt động hòa giải nào. Nga đang duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Iran và các quốc gia Ả-rập như Saudi Arabia và UAE nên chúng tôi chắc chắn có thể giúp đỡ truyền đạt thông điệp giữa các bên.

Từ đó, họ có thể lắng nghe quan điểm của nhau”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền thông tiếng Ả-rập trước chuyến thăm.

Bản thân tờ Washington Post của Mỹ cũng thừa nhận Nga là nước duy nhất có quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực Trung Đông.

Quan hệ tốt với Saudi sẽ là mối đe doạ với Mỹ?

Một vấn đề nhạy cảm khác trong thời gian này đó là Mỹ - đồng minh thân cận của Saudi Arabia tại Trung Đông lại có thái độ dần mờ nhạt. Hai bên bắt đầu có những dấu hiệu mâu thuẫn từ sau vụ công dân Jamal Khashoggi của Saudi Arabia, nhà báo của Washington Post (Mỹ) bị giết trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó là việc Mỹ không có phản ứng tích cực và mạnh mẽ khi Saudi Arabia bị tấn công các căn cứ lọc dầu.

Trong khi đó, chuyến thăm sau 12 năm của Tổng thống Putin lại được kỳ vọng tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Moscow và Riyadh. Nếu Moscow và Riyadh đạt được bất cứ thỏa thuận quốc phòng nào nó có thể khiến Washington tức giận.

img
Ông Putin và Vua Arab Saudi.

Song, theo nhiều nhà bình luận và chuyên gia về chính trị như nhà báo Ali Rizk chuyên viết về Trung Đông, lúc này còn quá sớm để nói đến chuyện Saudi Arabia mua vũ khí của Nga như hệ thống phòng không S-400 bởi nếu vậy Saudi sẽ phải thay thế hệ thống phòng không Patriot vốn rất đắt đỏ từng mua của Mỹ và nó sẽ tạo ra cú sốc quá lớn tới tình hình địa chính trị.

Khi được hỏi, liệu việc Riyadh cải thiện quan hệ với Moscow sẽ gây bất lợi cho quan hệ với Mỹ, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Saudi Adel al-Jubeir cho biết, ông không nhận thấy bất cứ mâu thuẫn nào.

“Chúng tôi không cho rằng, việc có bất cứ quan hệ gần gũi nào với Nga sẽ tạo ra tác động tiêu cực với quan hệ cùng Mỹ. Saudi tin, có thể vừa thiết lập quan hệ mạnh mẽ và chiến lược với Mỹ vừa phát triển quan hệ với Nga”, ông Adel al-Jubeir nói.

Trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền thông tiếng Ả-rập trước chuyến thăm, bản thân Tổng thống Putin cũng khẳng định: “Nga sẽ không bao giờ làm bạn với một quốc gia để chống lại quốc gia khác. Chúng tôi đã xây dựng quan hệ song phương dựa trên những xu hướng tích cực, chúng tôi không xây dựng liên quân chống lại bất cứ ai”.

Nhiệm vụ về Syria

Trong chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Nga còn mang theo nhiệm vụ về Syria giữa bối cảnh khu vực Đông Bắc nước này đang đối mặt với các cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút quân khỏi đây.

Ông Putin cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Saudi Arabia trong việc giải quyết khủng hoảng Syria. Nga đang có mối quan hệ khá thân thiết và đặc biệt với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhưng tôi cho rằng, nếu không có sự đóng góp của Saudi Arabia thì vấn đề Syria không thể giải quyết theo hướng tích cực”.

Bởi, trong cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria nhiều năm qua, Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn Riyadh ủng hộ các nhóm đối lập muốn lật đổ ông Assad.

Tờ Washington Post dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, tuy việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd tại Syria không trực tiếp đe dọa các lợi ích của Nga nhưng nó sẽ cho người Nga cơ hội thuyết phục người Kurd đàm phán với chính phủ ông Assad.

Nếu thành công, “ảnh hưởng của Nga tại Syria một lần nữa được thử nghiệm và chứng minh mạnh mẽ bằng quyết định đàm phán với Damascus của người Kurd”, ông Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.