Thời sự Quốc tế

Tổng thống Pháp: Thanh toán khí đốt bằng đồng ruble là điều không thể

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm để tiếp tục thảo luận về tình hình tại Ukraine.

Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi vòng đàm phán hòa bình mới giữa Moscow và Kiev tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) kết thúc ngày 29/3.

Theo thông báo của Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đặc biệt lưu ý vấn đề nhân đạo tại Ukraine. Trong đó, Tổng thống Putin thông tin với người đồng cấp Pháp về những biện pháp mà quân đội Nga đã thực hiện để cung cấp các hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, sơ tán dân thường, trong đó có hoạt động sơ tán ở thành phố cảng Mariupol, miền Đông Ukraine.

img

Phái đoàn Nga - Ukraine trong cuộc họp tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3. Ảnh - Getty

Song, ông Putin nhấn mạnh vấn đề nhân đạo ở Mariupol đang rất khó khăn và để giải quyết "phía Ukraine cần phải hạ vũ khí”.

Tại cuộc đàm phán trực tiếp lần thứ tư tại Istanbul, bản thân Nga đã hứa hẹn sẽ giảm bớt hoạt động quân sự hướng về thủ đô Kiev cũng như khu vực phía Bắc Ukraine như một động thái xây dựng niềm tin.

Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đề cập đến quyết định của Nga về yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ “không thân thiện”, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp khẳng định với người đồng cấp Nga rằng, các đối tác phương Tây không thể thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rubles.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, sau cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine, Văn phòng báo chí của Thủ tướng Italia Mario Draghi đã thông báo lập trường của lãnh đạo các quốc gia gồm Anh, Italy, Pháp, Đức và Mỹ.

Nội dung thông báo nêu rõ: “5 lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ giới chức và người dân Ukraine, đặc biệt lưu ý tới việc đảm bảo các hành lang viện trợ nhân đạo và hỗ trợ người sơ tán. Các lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm về việc cần hỗ trợ các cuộc đối thoại đang diễn ra (giữa Nga - Ukraine) để sớm đạt được lệnh ngừng bắn”.

Các nước vừa đưa ra phản ứng kể trên đều là những quốc gia mà Ukraine mong muốn tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine khi nước này chấp thuận lập trường trung lập, phi hạt nhân để tiến tới đạt thỏa thuận hòa bình với Nga.

Trong đề xuất phía Ukraine đưa ra tại bàn đàm phán, Kiev cho rằng các bên tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine có thể gồm: các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Đức, Israel, Italy, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Alexander Chaly, một thành viên của phái đoàn Kiev, cho biết Ukraine đồng ý chấp nhận lập trường trung lập, phi hạt nhân nếu họ được đảm bảo về mặt an ninh với nội dung và hình thức tương tự như Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.