Thời sự Quốc tế

Tổng thư ký IMO sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực hàng hải

12/05/2023, 20:24

Chiều 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ki Tack Lim, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm đầu tiên của Tổng thư ký IMO đến Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập IMO (1984-2024).

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm trong thực thi các công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế về hàng hải nói riêng.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác cùng phát triển, là đối tác tin cậy, Chính phủ Việt Nam mong muốn IMO tiếp tục là tổ chức quốc tế tiên phong, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực hợp tác hàng hải.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ki Tack Lim, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế đang thăm và làm việc tại Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển để nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ hậu cần sau cảng, giảm chi phí logistics, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển; đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực biển, hàng hải, Thủ tướng đề nghị IMO và cá nhân Tổng thư ký tiếp ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực về hàng hải, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.

Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải và tham gia ký kết, triển khai các điều ước quốc tế về hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển, đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển được thông suốt, thuận lợi.

Tổng thư ký IMO Ki Tack Lim bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng các thành tựu phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, ấn tượng mạnh mẽ trước tầm nhìn, quyết tâm, nỗ lực, giải pháp của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông cảm nhận, tuy là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đang quyết tâm và nỗ lực, hành động như một nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, mong muốn được Thủ tướng chia sẻ thêm về nội dung này.

Ông cũng đề nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các nước thành viên, cùng IMO thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phát triển ngành hàng hải bền vững.

Trước đề nghị này, Thủ tướng chia sẻ những cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhấn mạnh tiềm năng lớn của Việt Nam trong phát triển năng lượng gió, mặt trời, điện sinh khối, hydrogen...

Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam và cho biết các nước ASEAN cũng có đồng thuận cao trong nỗ lực giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có việc thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông vận tải chạy điện.

Thủ tướng đề nghị IMO nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành hàng hải phù hợp với lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cung cấp vốn, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị.

Thủ tướng nhấn mạnh đề nghị hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng hải, tiếp tục xem xét cấp học bổng cho các cán bộ ngành hàng hải Việt Nam để tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại các cơ sở đào tạo của IMO trên thế giới.

Tổng thư ký IMO đánh giá cao với các quan điểm và cho biết IMO sẽ tích cực triển khai các đề xuất hợp tác theo ý kiến của Thủ tướng, nhất là trong hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.