Hạ tầng

TP Quy Nhơn: 4 năm không giải phóng xong 1,4km mặt bằng làm đường

30/03/2023, 06:18

Chỉ dài gần 1,4km song dự án đường Ngô Mây nối dài ở TP Quy Nhơn “án binh bất động” suốt 4 năm qua vì vướng mắc trong đền bù giải tỏa mặt bằng.

“Đi cũng dở, ở không xong”

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài đi qua địa bàn hai phường Quang Trung và Ngô Mây (TP Quy Nhơn) được triển khai thực hiện từ năm 2019. Dự án do Ban QLDA Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 396 tỷ đồng.

img

Nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, không thể sửa chữa do chưa được đền bù

Tuyến đường này bắt đầu từ ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây và điểm kết thúc giáp với đường Điện Biên Phủ với chiều dài tuyến là 1,377km.

Khu vực này chủ yếu là đất do người dân xâm lấn, không có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều hộ gia đình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc xác minh mất nhiều thời gian và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Người dân khiếu nại, khiếu kiện khiến công tác đền bù gặp nhiều khó khăn.

Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban QLDA
Giao thông tỉnh Bình Định


Theo thiết kế, bề rộng nền đường 33m, thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Tuy nhiên, đến nay thậm chí mặt bằng vẫn chưa có để thi công chứ không nói gì đến việc hoàn thành. Người dân vẫn “mỏi mòn” trông ngóng.

Anh Đặng Duy Toàn có ngôi nhà rộng gần 50m2 ở tổ 6B, khu vực 1, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn bị ảnh hưởng bởi dự án Ngô Mây nối dài và thuộc diện giải tỏa trắng, tỏ ra lo lắng: “Cơ quan chức năng đã đến đo đạc nhưng đền bù thì quá lâu. Nhà tôi đang có nhiều vết nứt dài nhưng không được phép sửa chữa. Ở thì lo mà đi cũng không biết đi đâu. Mỗi lần mưa bão gió là cả nhà thắc thỏm”.

Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều hộ gia đình ở khu vực này dù đã sinh sống ở đây rất lâu nhưng hầu như không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do vậy khi bồi thường không được theo giá đất ở, cũng không được cấp đất tái định cư mà chỉ được hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ không đủ cho họ tìm nơi an cư mới, do vậy có nhiều hộ không đồng ý với mức giá đưa ra.

Ông Võ Ngọc An (60 tuổi), chủ sở hữu một ngôi nhà rộng 48m2 ở phường Ngô Mây phản ánh: “Nhà tôi nằm trong diện giải tỏa trắng.

Gia đình có 3 nhân khẩu sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nhiều năm nay. Chúng tôi mới nhận được thông báo giá hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên giá hỗ trợ quá thấp.

Giờ đất ở Quy Nhơn đắt hơn vàng. Khoản tiền ít ỏi một vài trăm triệu hỗ trợ thì làm sao mua nổi lô đất mà làm nhà? Nếu dời đi thì không biết đi đâu, không biết làm sao mà sống được”.

Một người dân khác cũng chia sẻ: “Chúng tôi sống ở đây hơn 25 năm rồi nhưng cơ quan chức năng nói chỉ hỗ trợ chứ không thể đền bù là vô lý”.

Một số gia đình khác như chị Hà Thị Thanh Vân (tổ 6B, khu vực 1, phường Quang Trung), năm 2022 đã nhận tiền đền bù hơn 1,3 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn phải sống trong căn nhà xuống cấp, chưa chuyển đi được vì chưa được bố trí tái định cư.

Ngoài chị Vân, tại phường Ngô Mây có 7 hộ có sổ đỏ nằm trong danh sách đền bù. Hiện có 6 hộ đã nhận tiền, hộ nào cũng trông chờ sớm được chuyển về khu tái định cư mới.

Hết hạn hợp đồng, nhà thầu chưa thể thi công

img

Nhiều ngôi nhà chưa thể giải tỏa khiến mặt bằng tuyến Ngô Mây nối dài còn vướng

Trao đổi với PV, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban QLDA Giao thông tỉnh Bình Định cho biết, theo thời gian thực hiện dự án, năm 2023 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn chưa thể thi công vì UBND TP Quy Nhơn chưa bàn giao mặt bằng.

Đáng chú ý, theo ông Phong, dự án được phê duyệt vào tháng 10/2019, đến tháng 6/2020, đơn vị đã đấu thầu xây lắp và ký hợp đồng xong với nhà thầu.

Đến nay, thời gian thực hiện hợp đồng thi công xây dựng đã hết nhưng nhà thầu vẫn chưa thể triển khai.

Được biết, từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án đường Ngô Mây nối dài đến UBND TP Quy Nhơn và các đơn vị liên quan. Cụ thể, giao UBND TP Quy Nhơn thực hiện công tác bồi thường GPMB và khu tái định cư phục vụ dự án này.

Theo UBND TP Quy Nhơn, dự án đường Ngô Mây nối dài ảnh hưởng 196 hộ gia đình và 2 tổ chức. Lâu nay, công tác bồi thường, GPMB gặp khó khăn vướng mắc vì nhiều trường hợp nhà dân trong vùng dự án được xây dựng trên đất lấn chiếm.

Chính sách bồi thường của Nhà nước không thể bồi thường cho những trường hợp này mà chỉ được hỗ trợ. Tuy nhiên, với mức giá hỗ trợ hiện tại, người dân không đồng ý. Do đó, vướng GPMB kéo dài.

Hiện nay, công tác xác minh nguồn gốc đất đã hoàn thành. UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 6 đợt gồm 58 hộ với số tiền hơn 33 tỷ đồng.

Thành phố đang triển khai dự án khu tái định cư tại phường Quang Trung với diện tích hơn 4ha để bố trí cho các hộ dân trong vùng dự án này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.