Đường bộ

TP.HCM: Bốn “siêu ban” có tiền không tiêu được, vì sao?

17/04/2024, 06:04

Năm 2024, TP.HCM có tổng vốn đầu tư công hơn 79.000 tỷ đồng. Khoảng 60% trong số này được phân bổ cho 4 ban quản lý dự án, song kết quả giải ngân quý I của 4 "siêu ban" lại thấp không ngờ.

Vướng mặt bằng

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) là một trong 4 ban quản lý dự án lớn nhất của TP.HCM vừa bị Chủ tịch UBND TP.HCM phê bình về giải ngân. Gánh trọng trách giải ngân hơn 12.800 tỷ đồng trong năm nay (2.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, còn lại là xây lắp) nhưng hàng loạt dự án do đơn vị này quản lý tắc tiến độ.

TP.HCM: Bốn “siêu ban” có tiền không tiêu được, vì sao?- Ảnh 1.

Điểm đầu đường song hành QL50 giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh vướng mặt bằng hơn một năm nay khiến mục tiêu giải ngân của Ban Giao thông TP.HCM trong quý I/2024 thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra.

Trong số này, dự án xây dựng mở rộng QL50 tại huyện Bình Chánh hiện đang "đứng hình" vì vướng mặt bằng. Cụ thể, gói thầu xây lắp số 1 đoạn khu dân cư Gia Hòa còn 3 căn nhà chắn ngang hơn nửa mặt cắt ngang tuyến đường nhưng việc bồi thường chưa thể hoàn tất. Gói thầu xây lắp số 2 cũng ì ạch bởi đoạn khu dân cư Phong Phú 4 còn khoảng 8 căn nhà giáp đường Trịnh Quang Nghị chắn ngang toàn bộ mặt cắt ngang tuyến đường.

"Nhà thầu cùng chủ đầu tư đã họp bàn hàng chục lần với địa phương, kiến nghị UBND TP chỉ đạo phương án giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp", đại diện nhà thầu chia sẻ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, ngày 5/4, đơn vị đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo kịp thời đối với hai tình huống trên. Nhà thầu không có mặt bằng thi công đồng nghĩa với việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dậm chân tại chỗ, tạo áp lực rất lớn.

Trong khi đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, được thành phố giao 350 tỷ đồng để thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch bàn giao cho các nhà thầu thi công tuyến metro số 2. Dù vậy, nhiều đoạn dọc tuyến, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật rất chậm do đợi phối hợp với các sở chuyên ngành và các quận.

Đối với Ban Dân dụng và Công nghiệp, dự án Rạp xiếc và Nhà thi đấu đa năng Phú Thọ dù tổng thể tiến độ vẫn đáp ứng 30/4/2025 sẽ khánh thành, nhưng tiến độ 3 tháng đầu năm bị chậm nhịp.

Nhà thầu lo vì giá cát tăng cao

Cũng trong cảnh "có tiền không tiêu được", dự án Vành đai 3 TP.HCM hiện nay thiếu cát đắp nền nên hàng loạt gói thầu không thể thi công như kỳ vọng. Tại công trường dự án đoạn qua huyện Hóc Môn, sau hơn 7 tháng khởi công, tiến độ tổng thể 4 gói thầu xây lắp đã bị chậm. Dọc tuyến, nhiều đoạn đã được cào bóc lớp đất mặt sau đó ngưng, chờ cát.

Nhà thầu thi công phải chuyển hướng kéo các mũi thi công phần đường chuyển sang thi công các hạng mục cầu vượt để đeo bám tiến độ chung. Chính vì thế, vốn giải ngân bị ách lại bởi nhiều hạng mục không đạt điều kiện nghiệm thu, thanh toán.

Tương tự, tình trạng khan hiếm nguồn cát cũng đang làm khó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban Hạ tầng đô thị). Suốt 3 tháng đầu năm 2024, đơn vị này liên tục tổ chức họp đôn đốc liên danh các nhà thầu đang thi công dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Thế nhưng, giá cát biến động mạnh, đội lên hơn 50% so với đơn giá hợp đồng khiến các nhà thầu lâm vào cảnh càng làm càng lỗ.

"Công ty tôi thậm chí đã tính đến chuyện xin chấm dứt hợp đồng bởi giá cát tăng cao, thiệt hại lớn. Mà duy trì tình trạng này cũng không đành lòng vì đâu có làm thủ tục nghiệm thu, quyết toán với tổng thầu và chủ đầu tư được", một nhà thầu phụ tại dự án chia sẻ.

Xác định rõ trách nhiệm

Theo kế hoạch, mục tiêu giải ngân của TP.HCM là quý I đạt hơn 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng), quý II đạt từ 30% trở lên, quý III hơn 70%. Có như vậy, cả năm 2024 giải ngân mới đạt mục tiêu trên 95%. Tuy nhiên, từ kết quả giải ngân của 4 "siêu ban", hết quý I, tổng vốn giải ngân mới chỉ đạt khoảng 5.566 tỷ đồng (7,02%).

TP.HCM: Bốn “siêu ban” có tiền không tiêu được, vì sao?- Ảnh 2.

Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên thiếu trầm trọng cát đắp nền, cát đổ bê tông khiến tiến độ chậm nhịp.

Sốt ruột trước tiến độ này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chủ đầu tư phải rà soát hợp đồng đã ký, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng; nỗ lực huy động vật liệu từ các nguồn khác nhau.

Người đứng đầu thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương; đề xuất chế tài, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giải ngân.

Để triển khai thực hiện, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, đã đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm. Quan trọng nhất là các sở, ban ngành phải phối hợp rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công.

"Tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần. Muốn vậy, các tổ công tác về đầu tư công của TP.HCM không chỉ nhận diện các vướng mắc, mà phải chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ nếu thuộc thẩm quyền", bà Mai nói.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi làm việc với một số đơn vị thi công về tiến độ thi công và giải ngân đầu tư công năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP phê bình 4 ban quản lý dự án lớn do chưa thực hiện nghiêm túc giải ngân đầu tư công dù chiếm 60% kế hoạch vốn năm 2024 gồm: Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

Các đơn vị này chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án dẫn đến tỷ lệ giải ngân quý I của đơn vị chưa đạt mục tiêu chung của TP.HCM.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.