Ngày 17/4, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024" với chủ đề "Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới".
Cao điểm về an toàn thực phẩm
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, tháng 4, tháng 5 là giai đoạn cao điểm về thời tiết nắng nóng và nguy cơ tiềm ẩn mối nguy hại về an toàn thực phẩm.
Bà Lan nhận định, hiện nay hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách. TP.HCM cũng như một số địa phương chưa thể tránh khỏi những đợt ngộ độc thực phẩm tập thể…
"Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục quanh năm. Nếu không, thực phẩm cung cấp cho người dân còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào”, bà Lan nhấn mạnh.
Người đứng đầu Sở An toàn thực phẩm cho biết, tháng an toàn thực phẩm năm 2024 sẽ là khoảng thời gian để thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Điểm nhấn của chương trình là kiểm tra không báo trước bếp ăn tại các trường học trên địa bàn.
"Việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt lưu ý đến bếp ăn tập thể đông người như căng tin trường học, bệnh viện, các đơn vị công ty xí nghiệp, khu chế xuất… Bằng bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm", bà Lan nói.
Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc
Bà Lan cũng lưu ý, để đảm bảo an toàn thực phẩm, cần nâng cao nhận thức của người dân khi chọn mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, tại những cơ sở uy tín. Tránh mua hàng trôi nổi. Tiếp đó là biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách.
Khi có được những thông tin hay chứng kiến những hành vi gây mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, Sở kêu gọi người dân báo về các cơ quan quản lý qua đường dây nóng 02839301714 để xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ, hiện nay hình thức kinh doanh online đang ngày càng phổ biến. Thực phẩm cũng là sản phẩm được bán online ngày càng nhiều.
Theo ông Long, việc bán thực phẩm online tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm và khó đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Ông Long yêu cầu việc giám sát, quản lý và xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải có những thay đổi phù hợp thực tiễn.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 sẽ tập trung ở tất cả các ngành, các cấp vào 3 mảng hoạt động chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các ngành các cấp: Các đội kiểm tra an toàn thực phẩm của Sở ATTP; lực lượng thanh kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, phường, xã; các lực lượng của các công an kinh tế và cảnh sát môi trường và quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm;
Phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm: Công tác phòng ngừa chính là lưu ý tới những vấn đề về thức ăn tập thể, cantin trong trường học, công ty, bệnh viện, doanh nghiệp, khu chế xuất... những nơi tập trung bữa ăn đông người; Tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất...
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng: Nâng cao ý thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm và phải nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm chính là tự lo cho mình và gia đình chứ không phải công việc của riêng ai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận