Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM về thực trạng và những giải pháp chiến lược của TP về vấn đề này trong thời gian tới.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Các cửa ngõ, cảng và sân bay còn nguy cơ ùn ứ
Tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.HCM không phải bây giờ mới được nhắc đến. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
TP.HCM đông dân cư và có lượng xe cộ cao nhất nước. TP có cảng biển, sân bay và hoạt động kinh tế sôi động. Dự báo trong thời gian tới, tình hình trật ATGT trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp.
Số liệu của Sở GTVT cho thấy, vận tốc lưu thông trung bình của phương tiện trên địa bàn hiện nay là 32km/h; một số khu vực thấp hơn, như phía Tây thành phố là 23,4km/h, khu vực phía Nam là 22,99km/h.
Các tuyến đường cửa ngõ đang quá tải vào giờ cao điểm và vào các ngày cuối tuần như: QL1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương... Tình trạng này đã kéo dài từ cả chục năm nay.
Tại khu vực trung tâm, các trục giao thông chính, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái… vẫn có nguy cơ ùn tắc do xe cá nhân tăng mạnh, vận tải hành khách công cộng phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng.
Thành phố vẫn chưa có loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (như Metro) và chưa triển khai mạnh các phải pháp hạn chế phát triển phương tiện cá nhân.
Thực trạng đã được nhận diện, vậy chiến lược và giải pháp khắc phục của thành phố là gì, thưa ông?
Sở GTVT đã xây dựng và trình UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện 3 đề án quan trọng gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030; Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham giao thông trên địa bàn TP.HCM” giai đoạn 2021-2030; Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển”.
Đây là cơ sở quan trọng để định hướng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Ông có thể nói cụ thể hơn, các đề án này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, sẽ có các nhóm giải pháp cụ thể. Đó là lập, quản lý kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030; bổ sung quy hoạch kết nối liên vùng; Tập trung đầu tư các dự án có tính kết nối để tạo động lực mạnh mẽ; Đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị để tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác quỹ đất dọc các trục giao thông đầu tư mới.
Sở cũng đề xuất tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng xe cá nhân bao gồm 27 giải pháp thực hiện theo nguyên tắc “Kéo - Đẩy”.
Trong đó, nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đóng vai trò “Kéo” bao gồm 17 giải pháp; nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng xe cá nhân đóng vai trò “Đẩy”, bao gồm 3 giải pháp (thu phí xe ôtô vào trung tâm, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm và kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy)…
Về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, mục tiêu là tạo nguồn thu để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó sẽ ưu tiên sử dụng nguồn thu này để đầu tư khép kín đường Vành đai 2 và 2 dự án đường thủy.
Bài toán “tiền đâu?”
Ùn tắc trên một tuyến đường tại TP Thủ Đức
Vậy đâu là những khó khăn trong quá trình thực hiện chiến lược này, thưa ông?
Trước hết là nguồn vốn. Các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, cầu đường Nguyễn Khoái... đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố đã được giao chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.
Mặt khác, công tác đền bù, GPMB do các địa phương thực hiện còn chậm, dẫn đến nhiều công trình cấp bách, trọng điểm như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại... còn chậm.
Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BT như trước đây không còn phù hợp; quy định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, quy định hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới... đã làm giảm tính hấp dẫn của dự án PPP, khó khăn trong kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện cá nhân, gây quá tải. Vận tải hành khách khối lượng lớn (Metro, BRT…) vẫn chưa hoạt động; chưa bố trí được làn đường riêng hoặc làn ưu tiên cho xe buýt.
Tìm kiếm giải pháp đột phá
TP.HCM sẽ giải bài toán trên như thế nào, thưa ông?
Trước tiên là giải pháp về phát huy mọi nguồn lực đầu tư. Đối với dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn được giao đảm bảo tiến độ; đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình, dự án, không để kéo dài thời gian làm phát sinh chi phí đền bù, trượt giá.
Đối với dự án PPP, tập trung thực hiện các kiến nghị, kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư đang triển khai; khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán đối với các dự án BT, BOT, không để kéo dài phát sinh thêm chi phí, lãi vay… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hấp dẫn, đột phá để huy động vốn từ đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính lớn có uy tín.
Về tổ chức đầu tư, sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, đồng bộ, không dàn trải; kiểm soát chặt chẽ các công trình trọng điểm về giao thông đô thị, các dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao Mỹ Thủy...
Kiểm soát các dự án trọng điểm, cấp bách để giải quyết ùn tắc, đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; các dự án kết nối khu – cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển như Vành đai 2, QL50, nút giao thông An Phú, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Cần Giờ, cảng container trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, cảng cạn ICD Củ Chi; hoàn thành đưa vào khai thác tuyến Metro số 1, triển khai xây dựng tuyến Metro số 2…
Về GPMB, thành phố có cơ chế nào đột phá hơn trong thời gian tới, thưa ông?
Vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công trách nhiệm thật cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Cùng với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là giải pháp về đảm bảo trật tự ATGT và quản lý, khai thác hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ AI; Đẩy mạnh xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh; nghiên cứu phương án hạn chế ô tô trên 30 chỗ lưu thông vào khu vực trung tâm…
Cảm ơn ông!
Tính đến tháng 9/2022, TP.HCM đang quản lý 8.725.233 phương tiện (trong đó, có 865.435 xe ô tô và 7.859.798 xe mô tô). So với cùng kỳ năm 2021, tổng số phương tiện tăng 3,13% (ô tô tăng 7,29%, mô tô tăng 2,70%). Trong 9 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi ngày có khoảng 221 ô tô và 804 mô tô đăng ký mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận