Ám ảnh ùn tắc
Hơn 3 năm trước, chị Nguyễn Thị Huế (30 tuổi, nhân viên bán hàng) quyết định chuyển trọ đến quận 7, giáp huyện Nhà Bè để tiện đi làm ở quận 1. Thế nhưng, thay vì chỉ mất 15 phút như dự tính, đoạn đường mỗi sáng và chiều về nhà của chị phải mất gần một giờ.
"Buổi sáng là thời điểm xe cộ hỗn loạn nhất, để đi qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thường mất ít nhất 15 - 30 phút, buổi chiều có thể ùn tắc lâu hơn", chị Huế chia sẻ.
Trong khi đó, các dự án kết nối quận 7 với trung tâm thành phố như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa hoàn thành. Riêng dự án cầu đường Nguyễn Khoái (kết nối quận 4 - quận 7 - quận 1) là một trong hàng loạt dự án hạ tầng cấp bách nhưng suốt nhiều năm TP.HCM chưa triển khai vì thiếu vốn.
Để vào trung tâm quận 1 từ Nhà Bè, chị Huế cho biết thường sẽ có 3 hướng. Trong đó, hướng gần nhất để đi vào trung tâm là phải qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, khu vực này luôn tắc vào giờ cao điểm.
Ở hai hướng còn lại, một là có thể đi đường Nguyễn Văn Linh, vòng sang cầu Phú Mỹ để đi Huỳnh Tấn Phát, sau đó qua đoạn ùn tắc trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) rồi vào quận 1. Hai là vẫn qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ rồi đi dọc theo đường 9A, Dương Bá Trạc, quận 8, cầu Nguyễn Văn Cừ để đến quận 1.
"Mỗi ngày, người dân phải đối mặt với ùn tắc nghiêm trọng. Nếu nút giao Nguyễn Văn Linh hoàn thành có thể giải quyết được chuyện này", chị Huế nói.
Dự án hầm chui thi công cầm chừng
Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nằm trong danh mục 33 công trình, dự án giao thông trọng điểm của thành phố năm 2023. Trước đó, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2022 và giai đoạn 2 vào năm 2023.
Tuy nhiên, sau gần một năm trì hoãn vì vướng hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thông xe nhánh hầm 2 dự kiến dời lại mốc trước 30/4/2024 và nhánh hầm 1 dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2024.
Quy mô 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh có tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 456m, vận tốc thiết kế 60km/h đối với phần hầm và 30km/h đối với các nhánh vào nút giao.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án vẫn đang trong quá trình di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (kể từ tháng 4).
"Hiện các đốt hầm vẫn chưa triển khai gì, tuy nhiên phải mất 6 tháng để di dời toàn bộ hạ tầng ngầm, với 3 đường điện, 5 đường nước", ông Phúc nói.
Ông Phúc cho hay, theo kế hoạch trước đây, tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, lưu lượng giao thông tại khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ quá lớn, việc thực hiện ở phạm vi rộng sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng hơn.
Đến nay, tổng khối lượng dự án đạt hơn 40%. Theo kế hoạch, khi hạ tầng hoàn tất di dời, mặt bằng lõi trung tâm khu vực ngã tư được bàn giao, đơn vị sẽ thi công song song hai hầm chui để bù khối lượng và tiến độ.
Ngóng dự án kết nối khu Nam thành phố
Mật độ dân cư khu vực phía Nam thành phố (bao gồm quận 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh) nay đã tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước.
Hiện, việc kết nối giao thông giữa khu Nam với trung tâm TP.HCM chủ yếu qua các tuyến Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ và cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành. Trong khi đó, các trục đường này đều quá tải trầm trọng, ùn tắc thường xuyên.
Đường Nguyễn Tất Thành chỉ dài khoảng 2km, nhưng suốt chục năm qua gánh lượng xe vượt gấp đôi năng lực khai thác. Giờ tan tầm buổi chiều, tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này càng nghiêm trọng.
Dòng xe ùn ùn từ trung tâm thành phố qua quận 7, Nhà Bè. Nhiều xe phải chờ 3-4 lượt đèn đỏ mới qua được nút giao với đường Hoàng Diệu, Tôn Đản...
Tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng buộc TP.HCM dồn sức kéo hạ tầng khu này lên bằng cách mở thêm đường, cầu kết nối với trung tâm.
Dự án được kỳ vọng nhiều nhất là cầu - đường Nguyễn Khoái nối khu Nam với trung tâm thành phố và chia tải cho cầu Kênh Tẻ. Đại diện Sở GTVT TP cho biết, đơn vị dự kiến tham mưu UBND TP.HCM xem xét, trình HĐND TP thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp vào tháng 12 tới. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027.
Trước đó, dự án được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng và hiện nay là 3.725 tỷ đồng.
Công trình có tổng chiều dài gần 5km. Trong đó, phần cầu dài khoảng 2,5km, phần đường dài hơn 2km.
Ngoài ra, dự án cầu đường Bình Tiên trước đây đã nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT, nhưng sau đó bị ngưng vì vướng luật. Dự án này sẽ kết nối từ quận 6, vượt đường Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ qua quận 8 và nối đến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án khi hoàn thành sẽ chia tải rất lớn cho các cầu như Chà Và, Nguyễn Văn Cừ… đang quá tải.
Nghị quyết 98 của Quốc hội mới đây cho phép TP.HCM triển khai các dự án BOT giao thông. Ông Lương Minh Phúc cho biết đang xây dựng các chính sách để trình UBND TP kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
"Hiện cũng có một số nhà đầu tư quan tâm, nhưng cần xây dựng chính sách cụ thể, chẳng hạn phần vốn nhà nước tham gia là bao nhiêu", ông Phúc nói.
Trước thềm kỳ họp HĐND TP.HCM sắp diễn ra, nhiều cử tri quận 7 đã đồng loạt kiến nghị thành phố sớm đưa ra phương án giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường chính Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành.
Cử tri quận 7 đề nghị các cơ quan tập trung khắc phục những dự án chậm tiến độ trên địa bàn, đặc biệt là hai dự án cầu - đường Nguyễn Khoái và hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận