Sáng 23/4, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM, các sở, ban, ngành và chuyên gia kinh tế, đại diện ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM...
Điểm nghẽn hạ tầng cản trở phát triển thành phố
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, TP.HCM hướng đến mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Tuy nhiên, hiện vẫn có những nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng cản trở sự phát triển của thành phố.
Dù thành phố có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng thiếu trường lớp, bệnh viện quá tải, xuống cấp hay các dự án chỉnh trang đô thị như di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo xây mới chung cư cũ, xây dựng công viên mảng xanh… nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Ông Phong nhận định, nguyên nhân chính của những lực cản trên là thiếu nguồn lực. Trong khi ngân sách còn hạn chế, TP.HCM lại chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ để huy động tổng lực nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho phát triển hạ tầng.
Còn Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng, từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên.
Để triển khai bài toán này, TP.HCM phải huy động nguồn lực tổng hợp đủ lớn nhưng điều này lại không dễ dàng. Đây cũng là trăn trở rất lớn không chỉ của lãnh đạo thành phố, mà cả trung ương.
"Trong các nguồn lực phát triển, thành phố luôn xác định ngân sách là nguồn lực đầu tiên, mang tính dẫn dắt, là dòng vốn mồi để từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội", ông Cường nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho TP.HCM hơn 33.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố là 142.500 tỷ đồng. Năm 2024, TP.HCM được giao vốn đầu tư công kỷ lục là 79.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư thực tế thì số ngân sách này chưa đáp ứng được nhu cầu. Ví dụ, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, thành phố đã tính toán cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án (vốn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác như ODA, PPP là hơn 570.000 tỷ).
Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng (dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%). Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Thực tế này cho thấy, nguồn lực phát triển là bài toán rất lớn cho thành phố. Chính vì vậy, TP.HCM đã tích cực đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó mở ra cho TP.HCM nhiều cơ chế vượt trội nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố nhận thấy một nguồn lực rất lớn, ý nghĩa, bền bỉ đổ về thành phố là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI.
Ông Cường nhận định, nếu có thể phát huy tốt nguồn lực kiều hối, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.
Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu triển khai nhiều kênh đầu tư phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con kiều bào và thân nhân an tâm đầu tư cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước.
Đề xuất phát hành trái phiếu cho kiều bào
Theo ghi nhận, tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở GTVT, Ban Quản lý đường sắt Đô thị TP.HCM... đã nêu ra những khó khăn về nguồn lực trong việc thực hiện các dự án như nhà ở xã hội, cải tạo kênh rạch, xây dựng tuyến đường sắt đô thị... Đồng thời, có nhiều ý kiến về việc thu hút, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính - Bất động sản Toàn Cầu chia sẻ, kiều hối đổ về Việt Nam hiện nay được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp.
Ông Hiếu ước tính, với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, số thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỷ USD, bằng 1/4 GDP. Trong khi đó, trong năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỷ USD thì tiềm năng kiều hối còn lớn.
Thời gian trước, kiều bào đổ tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất. Tuy nhiên nhiều năm qua, ngân hàng trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không còn mặn mà gửi về. Do đó, kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TP.HCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.
Ông Hiếu đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu như sau: Nhà phát hành là TP.HCM; hình thức phát hành riêng lẻ, nhiều đợt. Đợt đầu làm thí điểm phát hành khoảng 100 triệu USD để thăm dò thị trường, sau đó xây dựng lộ trình phát hành tùy theo kết quả đợt thí điểm.
Nơi phân phối trái phiếu sẽ là các quốc gia phát triển có nhiều kiều bào sinh sống và làm việc thông qua các kênh phân phối đặt tại các quốc gia này.
Ông Hiếu dự đoán, khả năng hành phố phát hành trái phiếu để tài trợ các dự án trọng điểm sẽ thành công khoảng 70% (cho đợt chào bán đầu tiên) với số lượng chào bán 100 triệu USD.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nhận định, để phát hành trái phiếu định hướng dòng kiều hối chảy vào xây dựng hạ tầng thì cần phải thông tin tuyên truyền để người dân có sự lựa chọn phù hợp, từ đó có thể nắn dòng kiều hối vào nơi mong muốn.
Kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
Quý I/2024, kiều hối về TP.HCM tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, so với các nguồn vốn khác, kiều hối luôn có giá trị lớn và có tính ổn định cao hơn. Đặc biệt, kiều hối là dòng tiền đơn phương, trách nhiệm, nghĩa tình, nhờ đó góp phần đầu tư, tích lũy tài sản, góp phần tăng cường nội lực của quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận