Hạ tầng

TP.HCM: Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm 2022

19/12/2022, 06:30
image

Dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bưng, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, cải tạo kênh Nước Đen… hoàn thành năm nay giúp giảm kẹt xe, tăng kết nối vùng.

Giữa tháng 10/2022, TP.HCM tổ chức thông xe nhánh cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương thay thế cây cầu hiện hữu nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng. Cầu hoàn thành nối quận Bình Tân và Tân Phú trên trục đường Lê Trọng Tấn, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và nối kết liên vùng trong khu vực Tây Bắc thành phố.

img

Thông xe cầu Bưng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Lê Trọng Tấn và kết nối cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Công trình có tổng chiều dài 555m, bao gồm phần cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tổng chiều dài 207m, trong đó nhánh cầu 1 rộng 11m, phần đường đầu cầu dài 348m và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Dự án có tổng mức đầu tư 515 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 141 tỷ đồng, phục vụ việc giải tỏa một phần 39 hộ dân và 2 tổ chức. Công trình bắt đầu thi công từ tháng 7/2017 và đã phải tạm dừng thi công 2 lần vào năm 2018 do vướng mắc trong công tác GPMB và quý 3/2021 khi thành phố giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19.

img

Cầu Bưng nằm trên đường Lê Trọng Tân nối quận Tân Phú và Bình Tân, TP.HCM.

Nằm trong mạng lưới giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) hoàn thành đưa vào khai thác ngày 26/4.

Đoạn nâng cấp dài hơn 5km, mặt đường được mở rộng lên 30 m từ nút giao Tô Ký đến Lê Văn Khương, thuộc hai xã Đông Thạnh và Thới Tam Thôn. Dự án được khởi công từ tháng 10/2018 với vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

img

Đường Đặng Thúc Vịnh sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng tháng 4/2022.

Khi hoàn thành kết nối giao thông khu vực, cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn và khu vực.

Đồng thời khai thác tuyến đường Đặng Thúc Vịnh và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khác trong khu vực như: dự án đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa…hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực và kết nối với đường Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Cùng ngày 26/4, thành phố cũng tổ chức thông xe tuyến đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1. Dự án có tổng kinh phí 71 tỷ đồng, hoàn thành sau một năm xây dựng. Đây là tuyến đường mới, dài hơn 600m, rộng 7m, đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur.

img

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt nằm bên bờ kênh Tàu Hủ, quận 1.

Theo Sở GTVT TP.HCM, mặc dù kinh phí không lớn nhưng tuyến đường mới này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con.

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt cho xe chạy một chiều theo hướng từ đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur. Xe từ cầu Ông Lãnh đến giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con sẽ không được rẽ trái hoặc quay đầu mà đi thẳng tuyến song hành đến Pasteur, sau đó rẽ vào đường Nguyễn Công Trứ để vào đường Ký Con, nhằm giải quyết tình trạng ùn xe khu vực cửa hầm vượt sông Sài Gòn.

Tháng 4/2022, ghi nhận có nhiều dự án giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác trên địa bàn thành phố. Nổi bật trong đó là cầu Thủ Thiêm 2 (nối TP Thủ Đức và quận 1), cầu dài gần 1,5 km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TP.HCM.

img

Cầu Thủ Thiêm 2 - Biểu tượng mới của thành phố được thông xe ngày 28/4.

Công trình khởi công từ năm 2015, tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM đến thời điểm này. Dự án có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án hoàn thành sau 7 năm thi công và thông xe ngày 28/4.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết công trình giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh…

img

Cầu giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khoá X, đã quyết định đặt tên mới cho hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.

Theo đó, cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son thay vì Thủ Thiêm 2 như hiện nay. Cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) qua sông Sài Gòn đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức sẽ mang tên Thủ Thiêm.

Theo quy hoạch, có 4 cây cầu và một hầm kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố. Ngoài hai cầu vừa nêu, TP.HCM đang chuẩn bị đầu tư hai cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) trước năm 2030.

Dự án nâng cấp, cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân đã hoàn thành, góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ.

Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) nhiều năm qua là điểm đen về ô nhiễm môi trường. Tháng 4/2020, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) khởi công và hoàn thành sau 2 năm.

Dự án dài 1,4km, rộng 40m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ.

Sự kiện được người dân mong chờ trong những ngày cuối năm là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thử đoạn trên cao dài hơn 8km, từ ga Suối Tiên đến Bình Thái, TP Thủ Đức, ngày 21/12.

img

Đoàn tàu đã được kéo về ga Bình Thái để chuẩn bị cho việc chạy thử ngày 21/12.

Đây là lần đầu metro số 1 chạy thử ở tuyến chính, sau khi toàn bộ 17 tàu thuộc dự án được đưa về TP.HCM hồi tháng 5 và có thời gian chạy thử nghiệm tại depot Long Bình.

Theo kế hoạch, việc chạy thử dự kiến diễn ra trong một ngày, với 1 đoàn tàu (số 6 hoặc 7) do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) phụ trách.

img

Nhà ga Tân Cảng có quy mô lớn nhất so với 10 ga trên cao của tuyến metro số 1.

Đoạn trên cao có tốc độ thiết kế 110km/h, nhưng quá trình chạy thử, tàu sẽ bắt đầu chạy với tốc độ 5km/h, sau đó tăng lên tối đa 20km/h. Tàu cũng dừng đón trả khách tham gia thử nghiệm ở ga Suối Tiên hoặc Bình Thái.

Metro số 1 dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn dự án hiện đạt khoảng 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.