Lần đầu tiên TP.HCM tổ chức hội nghị kết nối giữa DN hạ tầng với ngân hàng |
Ngày 24/8 lần đầu tiên TP.HCM tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp hạ tầng với ngân hàng nhằm tìm kiếm đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.
Cụ thể các ngân hàng như NH Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Sài Gòn (SCB), Phương Đông (OCB), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển( BIDV) đã ký kết thỏa thuận hợp đồng tài trợ vốn cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) và 10 doanh nghiệp khác để xây dựng 8 dự án tại TP HCM với tổng vốn đầu tư 26.000 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo HFIC, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 1,829 triệu tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, chống ngập, chỉnh trang đô thị... Ngoài ra, các lĩnh vực khác thuộc 7 chương trình hành động cần số vốn đầu tư 850.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách của TP HCM chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn đầu tư.
Chủ tịch UBND TP Ông Nguyễn Thành Phong, cho biết, việc hoàn thành 7 chương trình đột phá sẽ tạo xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để thành phố phát triển, đồng thời giải quyết được những bức xúc trăn trở của người dân thành phố. Đến nay, Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với tổng số vốn vay là 680.000 tỉ đồng.
Hiện nay thành phố cũng đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông qua xã hội hóa đầu tư, PPP, và các mô hình đầu tư theo quy định của pháp luật nhằm tối ưu hóa và khai thác hết tiềm năng nguồn lực trong xã hội để tham gia đồng hành cùng thành phố.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM, tính đến thời điểm cuối tháng 7-2017, hệ thống các tổ chức tín dụng đã huy động được 1.885.600 tỉ đồng, tăng 6,08% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong số đó, về cơ cấu huy động vốn, tiền gửi tiết kiệm tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn (chiếm 52,86% trong tổng huy động vốn). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 1.600.000 tỉ đồng. Riêng tín dụng trung dài hạn đạt trên 52% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn dư nợ tín dụng ngắn hạn, đã và đang tạo điểu kiện thuận lợi rất lớn cho doanh ngiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và phát triển hạ tầng của thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận