Ngày 4/4, UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP Thủ Đức”.
GIS - nền tảng thực hiện quy hoạch đô thị thông minh ở TP Thủ Đức
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh, hiện, cơ sở dữ liệu đô thị tại TP Thủ Đức đang gặp một số hạn chế, bất cập: Dữ liệu của các ngành, lĩnh vực được xây dựng, lưu trữ rời rạc, phân tán ở các cơ quan quản lý, dữ liệu ở các định dạng khác nhau, không thống nhất về mặt cấu trúc, bị trùng lặp về thông tin dữ liệu, các cơ sở dữ liệu không đầy đủ các thông tin liên quan, chưa bảo đảm chất lượng và tính duy nhất để sử dụng hiệu quả.
Do đó, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung là rất cần thiết nhằm xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, thống kê báo cáo và ra quyết định của lãnh đạo thành phố.
Đồng thời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp, người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tránh đầu tư trùng lặp, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TP Thủ Đức đã phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số cho thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong hai năm qua, Thủ Đức làm được một số công việc trong thực hiện đô thị thông minh và chuyển đổi số. Tuy nhiên, một trong những vấn đề rất lớn và rất mới là quản lý dựa trên công nghệ GIS.
“TP Thủ Đức với quy mô dân số 1,2 triệu người, cho nên yêu cầu quản lý Nhà nước phục vụ cho người dân, trong đó có việc sử dụng các công nghệ về GIS, các công nghệ khác là rất cần thiết”, ông Phùng nói.
Về tính đa hiệu của hệ thống GIS, các chuyên gia cho rằng, hệ thống này cho phép người dùng chia sẻ và cộng tác trên dữ liệu không gian và phân tích, cho phép nhiều người dùng làm việc đồng thời trên cùng một dự án.
Ngoài ra, hệ thống GIS có thể tích hợp với các hệ thống khác, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm để cung cấp quy trình công việc và trao đổi dữ liệu một cách liền mạch...
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tin học - Bản đồ Việt Nam cho rằng, với hệ thống GIS, có thể được truy cập thông qua trình duyệt web, cho phép người dùng làm việc từ xa và truy cập dữ liệu, phân tích từ bất kỳ đâu có kết nối internet.
TP Thủ Đức, hiện đang xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung trên địa bàn, nhằm phát triển hệ sinh thái số với 3 trụ cột chính: Hệ thống kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý; Hệ sinh thái dữ liệu mở.
Ba trụ cột này tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác (y tế, kinh tế, tư pháp, lao động thương binh, xã hội, giáo dục đào tạo, tôn giáo...) trên địa bàn TP Thủ Đức.
Ngoài ra, hệ thống dữ liệu này sẽ dùng chung cho các phòng, ban chuyên môn nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ thân thiện, thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu đối với các sở, ban, ngành chuyên môn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận