Một bà “Nghị” của HĐND TP.HCM vừa đề xuất Thành phố trang bị cho người dân mỗi nhà một cái lu để chứa nước nhằm chống ngập. Nếu mai này chính quyền thành phố làm thật, tôi sẽ trả cái lu cho bà “nghị”, bởi đó là đề xuất của bà ấy chứ không phải của dân.
Nhà tôi ở chung cư, cả khu chung cư tôi có gần 300 căn hộ, thử hỏi đặt cái lu ấy ở đâu? Phần lớn nhà dân là nhà phố, ngang chỉ 4m, xây kiểu nhà ống, vậy đặt cái lu ở đâu? Sài Gòn hai mùa mưa nắng. Mùa mưa còn có cái mà hứng, mùa nắng đem lu ra hứng cái gì?
Bà “nghị” - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM, thanh minh rằng bà ở quê và thấy người dân dùng lu để chứa nước mưa góp phần chống ngập. Với lý giải đây không phải là sáng kiến của bà, mà các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) chia sẻ vì áp dụng ở Tokyo thành công. Nói thật, tôi cũng là người ở quê lên thành phố. Ở quê tôi cũng có dùng những cái lu, một số vùng gọi cái Ảng…chứa nước mưa nhưng là để sinh hoạt, tắm giặt. Còn nói dùng cái lu đó chứa nước chống ngập thì lần đâu tiên tôi nghe.
Tại nghị trường sáng 13/7, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng nguyên nhân chính do ngập là đô thị hóa quá nhanh, không có diện tích thoát nước nên dẫn đến tình trạng ngập.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng vấn đề chính là trong quy hoạch phát triển đô thị, chính quyền phải dành quỹ đất cho cây xanh và nước. Chúng ta quá tham lam, đất nào trống cũng làm dự án nhà cao tầng, xây đô thị. Đến nỗi, các khu công viên cũng quy hoạch xây dựng bãi xe ngầm mà thực chất là các trung tâm thương mại bên dưới thì làm sao thoát nước được.
Có ý kiến cho rằng, TP.HCM có hệ thống kênh rạch chằng chịt, là điều kiện rất tốt để thoát nước tự nhiên. Thế nhưng, khi mở rộng đô thị, nhiều tuyến kênh bị lấn chiếm, san lấp. Một đại biểu nêu dẫn chứng dự án Sông Đà Riverside ở phường Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) được cấp phép tạm lấp rạch Lò Đường để thi công. Nhưng khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư không trả lại rạch cho dân, khiến cả khu vực ngập nặng. Dân kêu than nhưng gần 10 năm nay không làm gì được.
Hãy trả lại hệ thống kênh, rạch cho thành phố để thoát nước tự nhiên. Đó là những cái lu khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố. Chúng ta không phải mất tiền mua lu.
Nghị trường là nơi bàn những vấn đề mang tính quốc kế, dân sinh. Mỗi đại biểu đăng ký chất vấn được giới hạn thời gian rất ngắn. Vì vậy hãy suy nghĩ thật kỹ những vấn đề trước khi mình phát biểu. Cử tri không rảnh để nghe những đề xuất không đâu vào đâu như vậy!
Một lần nữa, tôi xin trả cái lu cho bà "nghị"!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận