Bưu điện Hà Nội trước đây khi chưa bị thay tên |
Bảng tên “Bưu điện Hà Nội” từ lâu đã đi vào tiềm thức nhiều người dân Thủ đô bởi nó gắn với nhiều kỷ niệm và như một nét văn hóa riêng có. Nhưng một ngày kia, người ta ngỡ ngàng, lạ lẫm khi bảng tên đó đã được thay bằng... “VNPT Hà Nội”.
Nuối tiếc tên gọi cũ
Đã nhiều năm nay, cụ Lưu Nguyên Quân (83 tuổi, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) vẫn giữ thói quen sáng sáng ra góc hồ Hoàn Kiếm, đoạn trước cửa Bưu điện Hà Nội để tập thể dục, tản bộ. Ở đây, cụ Quân thường gặp người dân các tỉnh khác về tham quan các danh thắng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nếu như trước kia, cụ có thể tự hào giới thiệu với họ về tòa nhà Bưu điện Hà Nội đã được xây dựng thế nào, từ bao giờ, những dấu ấn thăng trầm cùng lịch sử..., thì đến giờ, trước khi kể chuyện, cụ thường phải mất thêm thời gian giải thích tòa nhà đã bị đổi tên ra sao.
Từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, yêu cầu Tập đoàn đổi lại bằng dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” như trước đây. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng có văn bản cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này nên trả lại tên Bưu điện Hà Nội như trước. |
Cụ Đào Văn Mão (77 tuổi, phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm) cũng chia sẻ: “Việc đổi tên thế này khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Chúng tôi hay nhiều người khác vẫn có thói quen hẹn nhau ở Bưu điện Hà Nội, còn giờ muốn hẹn thì phải nói “gặp nhau ở VNPT Hà Nội” nhé”, nó cứ xa lạ làm sao vậy!”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc tòa nhà Bưu điện Hà Nội bị đổi tên “gây ngạc nhiên” với người dân và du khách. “Những địa chỉ đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, chúng ta nên tôn trọng vì đó là yếu tố văn hóa. Lẽ ra VNPT Hà Nội phải tự hào vì được quản lý, sử dụng tòa nhà Bưu điện trung tâm. Dù đây là quyền của DN nhưng tôi cho rằng VNPT cũng nên xem xét lại chuyện này”, ông Quốc nói.
Tương tự, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng, trụ sở Bưu điện Hà Nội nằm ở vị trí rất thiêng liêng của Hà Nội - hồ Hoàn Kiếm, vì thế nên trả lại tên cũ cho nó. “Thành phố càng phát triển càng cần phải giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, dấu ấn riêng có. Khi tác động tới một cái cây, một con phố, thậm chí một bảng tên cũng rất cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Hiểu cho hay.
Bảng tên Bưu điện Hà Nội đã được thay bằng VNPT Hà Nội |
“Sẽ trả lại tên”
Theo VNPT Hà Nội, những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với truyền thống của ngành Bưu điện chính là toà nhà A, tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ - số 1 phố Lê Thạch (giáp với vườn hoa Lý Thái Tổ). Tòa nhà này do Pháp xây dựng từ năm 1901, đến nay đã được hơn 100 năm tuổi. Đây cũng là nơi diễn ra các trận chiến đấu quyết tử giữa lực lượng Tự vệ Bưu điện cùng Vệ Quốc đoàn chống lại các đợt tấn công của quân Pháp trong các ngày 19, 20/12/1946.
Năm 1976 - 1978, tòa B - nhà 5 tầng, địa chỉ 75 phố Đinh Tiên Hoàng được xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng, gắn liền với chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà. Cũng từ đó, tòa nhà Bưu điện, chiếc đồng hồ trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
Năm 1987, Bưu điện Hà Nội được thành lập, toàn bộ khu vực tòa nhà A, tòa nhà B là trụ sở của Bưu điện TP Hà Nội. Tới năm 1997 mới lắp đặt biển chữ BƯU ĐIỆN HÀ NỘI phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra hồ Hoàn Kiếm. Tháng 12/2007, Bưu điện TP Hà Nội (cũ) tái cơ cấu và chia tách Bưu chính và Viễn thông ra để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện TP Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho VNPT Hà Nội quản lý, tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho Bưu điện TP Hà Nội mới quản lý.
Đến tháng 10/2015, biển chữ BƯU ĐIỆN HÀ NỘI trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, VNPT Hà Nội quyết định gắn chữ mới VNPT HÀ NỘI, đúng tên của đơn vị.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Anh Sơn, Giám đốc VNPT Hà Nội cho biết, trước việc có nhiều ý kiến về việc đổi tên, VNPT Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố và Bộ TT&TT. “Chắc chắn sẽ có thay đổi nếu thực sự dư luận thấy như vậy”, ông Sơn cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận