Giảm kẹt xe nhờ hệ thống tàu điện
Tôi vừa trở lại Bangkok, thủ đô của Thái Lan hồi tháng 8. Khoảng 8h15, trước khi rời khách sạn ở trung tâm, tôi hỏi cô lễ tân giờ này đi taxi ra sân bay có thuận tiện không. Cô ngần ngừ một lát rồi khuyên tôi không nên đi xe hơi, dễ bị kẹt xe và nên đi tàu điện.
Từ khách sạn ra sân bay không xa lắm, đi xa lộ thì trả tiền toll (phí đi đường cao tốc) hai lần để đi đường rộng hơn, nhanh hơn và trả cho tài xế taxi khoảng 400 baht, cộng cả tiền toll là thành 470 baht. Một baht quy đổi khoảng 700 VNĐ. Vị chi là khoảng 330.000 đồng. Xe chạy khoảng 45 phút.
Hôm đó là thứ tư, đường ra sân bay, theo như cô tiếp tân khách sạn nói, rất dễ bị kẹt xe. Vì vậy, tay kéo vali, tôi đi bộ ra trạm tàu BTS trên không Phrom Phong gần khách sạn để ra trạm Phaya Thai.
Tiền vé tàu hết 30 baht (chừng 21.000 dồng). Tổng cộng thời gian ngồi tàu khoảng 15 phút. Đến trạm Phaya Thai, tôi mua vé tàu cao tốc chạy thẳng sân bay.
Tàu vắng. Mỗi toa có 30 ghế ngồi. Nhưng toa tôi chỉ 10 người đi. Các toa khác, theo quan sát, hình như cũng không đông hơn.
Từ trung tâm Bangkok (trạm Phaya Thai) ra sân bay Suvarnabhumi đi tàu Airlink Express rất nhanh, chừng 18 phút vì tàu không dừng dọc đường. Cứ khoảng 30 phút lại có một chuyến. Giá vé một chiều là 90 baht, hai chiều thì chỉ còn 150 baht, khoảng 105.000 đồng cho đoạn đường 26,8km. Trước đó, muốn ra sân bay phải đi xe buýt hoặc taxi.
Đi tàu điện Bangkok rất dễ chịu vì có máy lạnh, lại có thể nhìn ra cửa sổ quan sát được thủ đô của Thái Lan, chủ yếu là nhà cao tầng, không nhiều nhà phố nho nhỏ như ở Việt Nam.
Song song với tàu Airlink Express còn có tàu City Link dùng chung đường ray, nhưng chậm hơn vì dừng tại nhiều trạm dọc đường.
City Link cũng nối sân bay Suvarnabhumi với ga Phaya Thai nhưng lại dừng tại 8 trạm, chạy mất 30 phút, giá vé từ 15-45 baht. Chắc vì thế City Link luôn đông người, đứng có, ngồi có.
Tháng 2 năm nay, tôi đã đi loại tàu chậm này và phải đứng hết một quãng đường. Khách muốn đi tàu thì mua vé tại máy bán vé tự động, chọn ga đến, số vé cần mua và trả tiền. Vé là đồng token. Khi đi thi thì đặt token lên mặt cảm ứng của một cái bệ, giữ lại token, còn khi ra bỏ token vào khe. Thế là xong.
Nói thêm về Airlink Express, tàu chạy bằng điện nên rất êm, chỉ nghe thấy tiếng u u của máy lạnh. Trên tàu còn có cả toilet riêng cho từng toa. Trạm cuối nằm luôn trong sân bay Suvarnabhumi, chỉ cần đi lên hai tầng trên là đến khu vực làm thủ tục bay, không phải di chuyển nhiều.
Nếu ở các khách sạn trên đường Sukhumvit, con đường sầm uất nhất Bangkok thì đã có sẵn đường tàu điện chạy trên không gọi là Sky Train, tức BTS, hoạt động từ tháng 12/1999. Có thể ra bất cứ trạm nào để mua vé chừng 30 - 40 baht để đến trạm Phaya Thai. Từ đó mua vé tàu cao tốc chạy thẳng sân bay Suvarnabhumi.
Riêng đường Sky Train nối On Nut and Bearing Station cũng thuộc Bangkok thì phục vụ người dân từ tháng 8/2011. Tàu điện ngầm ở Bangkok (MRT) cùng với hệ thống tàu điện BTS giúp cho việc đi lại ở Bangkok dễ dàng hơn.
Trên thực tế, chỉ có một tuyến tàu điện ngầm chạy từ ga Hua Lamphong (gần phố Tàu Bangkok) đến ga Bang Sue phía bắc thủ đô Thái Lan và giao với BTS tại các ga Silom/BTS Sala Daeng, Sukhumvit/BTS Asok và Chatuchak Park/BTS Mo Chit.
Có thể mua thẻ trả trước 200 baht (bao gồm 50 baht đặt cọc sẽ trả lại) và phí làm thẻ 30 baht, đi được các loại tàu. Hoặc khách du lịch thì mua thẻ ngày 120 baht, vé một lượt sẽ từ 15-39 baht.
Nhưng vẫn tắc đường - căn bệnh trầm kha
Bangkok được xem là một trong những thành phố có nạn tắc đường trầm trọng bậc nhất thế giới, tuy hệ thống giao thông ở đây dày đặc, khá hoàn thiện. Thành phố 7 triệu dân bao nhiêu năm nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này.
Đơn giản vì xe hơi ngày càng nhiều. Giao thông tại Bangkok tiếp tục trở nên tồi tệ hơn kể từ khi chính phủ đưa ra chính sách hoàn thuế cho những người mua xe hơi lần đầu tiên. Chính sách này đã khiến lượng xe tại Bangkok tăng lên trên 5 triệu chiếc, trong khi sức chứa của đô thị này chỉ hơn 2 triệu một chút.
Người Thái Lan, nói chung, khi giàu có lên thì liền mua xe hơi. Năm 1996, lần đầu tiên đến Bangkok, tôi đã bị cuốn hút vào dòng xe cộ nhích nhích từng chút, khi đi taxi từ sân bay vào trung tâm thành phố. Hồi đó chưa có tàu điện nên kẹt xe rất khủng khiếp.
Bây giờ, tuy có tàu điện rồi, nhưng do số xe hơi vẫn tăng lên không ngừng nên Bangkok vẫn tiếp tục kẹt xe.
Nhìn vào tình hình này, có thể đoán thành phố - thủ đô này hẳn sẽ khó có thể thoát khỏi nạn ùn tắc giao thông. Trong vòng 20 - 30 năm tới, chắc TP.HCM cũng sẽ giống như Bangkok hiện giờ nếu không tìm ra được cách hạn chế xe cộ.
Giống như người Thái Lan, đối với người Việt Nam, xe hơi là biểu tượng của sự giàu có nhìn thấy được.
Thêm đường sá, thêm đô thị mới
Tất nhiên, phải có rất nhiều tiền mới có thể xây dựng cả một hệ thống giao thông đồ sộ như vậy ở Bangkok với những đường tàu cùng với những trạm dừng tiện lợi.
Trung bình, một tuyến metro muốn phát huy hết chức năng và phục vụ được một diện tích tương đối rộng, phải tốn kém từ 2-4 tỷ USD tùy theo độ dài, phần đường ngầm nhiều hay ít và sự to lớn của các trạm dừng. Đó là ở Bangkok.
Bên cạnh các trạm dừng, luôn có nhiều khu nhà ở kiểu chung cư mọc lên. Vì đất ở Bangkok hiện giờ khá đắt, nên các chủ đầu tư chỉ xây những khu cao ốc cao cấp để bán. Giá đất trung tâm Bangkok đã tăng gần gấp bốn lần so với năm 2007.
Nhìn xung quanh các trạm thì thấy xây dựng nhiều cao ốc, có cái xây xong rồi, có cái thì vẫn còn dở dang. Có lẽ dọc metro ở TP.HCM cũng sẽ như vậy. Đó là mô hình đô thị mà gần đây lãnh đạo TP.HCM hay nhắc tới: TOD (Transit Oriented Development), lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị.
Kinh nghiệm Bangkok cho thấy rõ, trước đó họ đã bắt đầu xây dựng nhà cửa, khi đường tàu bắt đầu hoạt động thử nghiệm ngay từ thời ông Thaksin Shinawatra còn làm Thủ tướng, năm 2004.
Hệ thống tàu điện đã giúp mở mang và làm cho thị trường địa ốc Bangkok lớn mạnh lên so với 10 năm tiêu điều tính từ khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997.
Người Thái Lan giờ giàu có hơn trước đây. Trên thực tế, các lãnh đạo nước này đều biết rút kinh nghiệm từ khủng hoảng, có chiến lược tăng trưởng kinh tế hầu như không thay đổi: chính phủ này sụp, chính phủ khác lên, nhưng vẫn cứ thế mà làm.
Khi nhìn qua cửa sổ tàu tới sân bay, tôi thấy một khu chung cư xây dựng vẫn chưa xong. Đó là một biểu hiện rõ ràng của việc đường tàu giúp cho thị trường địa ốc phát triển.
Ở Bangkok, ngoại ô ngày càng phát triển hơn, rõ là nhờ đường tàu. Nhiều người làm việc trong thành phố Bangkok đi về bằng tàu City Link. Ở xa thì giá nhà cửa tương đối rẻ và cuộc sống cũng thoải mái, đỡ ngột ngạt hơn.
Trên thực tế, khi đi làm mà mua vé tháng thì giá rẻ. Giá vé là 1.000 baht cho 50 chuyến trong 30 ngày. Còn nếu đi ít hơn 50 chuyến thì có thể chọn vé dành cho 15, 25 hay 40 chuyến, tiền bỏ ra cũng ít hơn.
Thường từ khu vực ngoại ô đi vào trung tâm Bangkok mất khoảng 15-25 phút, rồi đi tiếp BTS hoặc MRT tới chỗ làm thì quá thuận tiện, không bị kẹt xe.
Càng ra ngoại ô càng ít nhà cao tầng. Có nhiều biệt thự, cây xanh và hồ nước. Có thể những người khá giả chọn vùng ngoại ô để có chất lượng cuộc sống tốt hơn và nhờ giao thông phát triển nên việc đi lại, giao tiếp với trung tâm vẫn thuận tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận