Trai Trung Quốc bắt đầu sang Đông Âu kiếm vợ

29/07/2017, 07:39

Vì áp lực chi phí lấy vợ không ngừng gia tăng tại Trung Quốc, nhiều đàn ông nước này đã phải ra nước ngoài.

25

Cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng khi đàn ông Trung Quốc đang chuộng xu hướng lấy vợ Đông Âu

Muốn có vợ, trước hết phải giàu

Tạp chí Diplomat nhận định, hôn nhân tại Trung Quốc đang biến động vì pha trộn giữa những thay đổi về nhân khẩu học, phong tục truyền thống và ảnh hưởng của thị trường. Trung tâm của vấn đề là sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, khiến số lượng đàn ông ở tuổi kết hôn cao hơn rất nhiều so với phụ nữ.

Kết quả, đàn ông Trung Quốc thậm chí đã phải dùng đến những phương pháp cực đoan khác nhau để tìm cho mình một người vợ. Trước hết, để lấy được vợ, đàn ông Trung Quốc cần phải có nền tảng tài chính tốt. Theo Diplomat, ở đất nước đông dân nhất thế giới này, các gia đình coi hôn nhân là cơ hội để con gái lấy được người giàu, có học hành. Một khảo sát trực tuyến cho thấy, gần 75% phụ nữ hy vọng thu nhập chồng tương lai gấp đôi của họ và trên 70% hy vọng chồng tương lai có tài sản tích lũy lớn.

Vì thiếu thốn nên “giá cô dâu” cũng tăng mạnh. Khảo sát gần đây cho thấy, đàn ông tại Bắc Kinh phải trả gần 30.000 USD cùng với một căn hộ mới lấy được vợ. Con số này đã tăng từ 1.500 USD so với 4 năm trước. Giá để cưới được các cô dâu tại nông thôn cũng tăng “phi mã”. Chẳng hạn, ở Quý Châu, chi phí này tăng từ 3.000 USD lên 13.000 USD trong 4 năm; Ở Sơn Tây, chi phí tăng từ 4.400 USD lên 14.700 USD.

Ra nước ngoài tìm vợ

Thậm chí, không ít đàn ông chưa vợ còn phải ra nước ngoài tìm ý trung nhân. Khác với nhiều năm trước, trong 1-2 năm gần đây, xu hướng nổi lên là việc đàn ông Trung Quốc đến khu vực Đông Âu để tìm vợ. Rất nhiều câu chuyện đàn ông Trung Quốc có điều kiện khá, lấy được vợ trẻ người Đông Âu được đăng bàn tán và làm dậy sóng mạng xã hội. Thậm chí, báo chí Trung Quốc cũng góp tiếng nói ủng hộ lợi ích khi lấy vợ nước ngoài. 

Tính đến năm 2050, số lượng người trên 65 tuổi tại Trung Quốc vượt mức 392 triệu người, tương đương dân số toàn nước Mỹ, trong khi lực lượng lao động để thay thế họ ngày càng ít. Vì thế, việc kết hôn, có con trở thành vấn đề cấp bách của quốc gia. Đó chính là lý do vì sao Chính phủ Trung Quốc tìm cách tuyên truyền, khuyến khích đàn ông ra nước ngoài tìm vợ.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn câu chuyện của nghệ sĩ Yuan Shankai đến từ Bắc Kinh, đã ly dị vợ và lên đường tới Đông Âu để tìm kiếm tình yêu. Hiện, anh đang hẹn hò với một phụ nữ Ukraine. “Vài năm gần đây, ngày càng nhiều bạn bè của tôi sang Đông Âu để tìm vợ. Một vài người trong số họ đã tìm được ý trung nhân”, anh Yuan chia sẻ.

Theo nghệ sĩ này, phụ nữ Đông Âu không quan tâm quá nhiều tới mức độ giàu có của đàn ông. “Điều họ thực sự quan tâm về người đàn ông là họ có tính cách tốt hay không, thái độ của họ với gia đình ra sao”, nghệ sĩ Yuan chia sẻ.

Tờ Beijing News mới đăng tải một banner cổ động kêu gọi đàn ông chưa vợ ra nước ngoài tìm kiếm ý trung nhân, cùng một bảng biểu nêu chi tiết các nước có triển vọng tốt nhất. Theo biểu đồ này, Ukraine là lựa chọn tốt nhất vì có số lượng lớn phụ nữ đẹp và tình hình kinh tế đang sụt giảm nên có thể dễ lấy vợ mà không cần chi phí cao. Các nước đầy hứa hẹn khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. 

Buôn bán người trái phép và ảnh hưởng từ chính sách một con

Trong khi rất nhiều câu chuyện tìm vợ ở những địa điểm chưa từng có xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí quốc tế thì họ đã lãng quên một mảng tối trong vấn đề thiếu vợ tại Trung Quốc. Nếu như tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thể bay sang Đông Âu tìm vợ, thì tầng lớp đàn ông nông thôn nghèo tìm đến cách “đặt hàng” các cô dâu đến từ Đông Nam Á, dẫn đến làm gia tăng tình trạng buôn lậu người trái phép. 

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Trung Quốc là nước có tỷ lệ tội phạm buôn lậu người ở mức thứ 3, tức là “không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để hạn chế hành vi buôn lậu và không thực hiện những nỗ lực đáng kể để chấm dứt tình trạng này”.

Nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ tới mức phải buôn lậu người tại Trung Quốc là ảnh hưởng dai dẳng từ cuộc thử nghiệm xã hội lớn nhất tại nước này - chính sách một con. 

Được công bố từ năm 1979 và mới xóa bỏ từ năm 2015, chính sách một con đặt ra những thách thức về nhân khẩu nghiêm trọng với Trung Quốc. 

Vốn là xã hội còn bị ảnh hưởng nặng nề về tư tưởng phong kiến, các gia đình Trung Quốc luôn thích có con trai. Vì chính sách một con và sự phát triển của công nghệ siêu âm, nên các bậc phụ huynh Trung Quốc đổ xô đi xét nghiệm sàng lọc giới tính, bỏ con gái, chọn con trai, dẫn đến tỉ lệ giới tính cách biệt như hiện nay.

Số liệu của chính phủ chỉ ra, tính đến năm 2020, số lượng đàn ông đến tuổi kết hôn sẽ cao hơn phụ nữ ít nhất 30 triệu người. Ngoài mất cân bằng giới tính, chính sách một con còn đẩy tỉ lệ sinh xuống mức thấp. Do đó, nước này đang đứng trước thực trạng lực lượng lao động giảm nhanh và già hóa, trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới xu hướng xã hội và kinh tế. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.