Các trạm y tế chỉ đang thực hiện tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng... |
Gói dịch vụ y tế cơ bản gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc cũng sẽ được đưa về thực hiện tại trạm y tế xã, phường.
Bệnh nhân né trạm y tế xã, phường
Sau 1 tuần nằm viện phẫu thuật nội soi tim, với sức khỏe ổn định, chỉ cần uống thuốc duy trì và thay băng vết mổ cách ngày nên bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia quyết định cho anh Nguyễn Văn Đ. (Lò Đúc, Hai Bà Trưng) ra viện điều trị ngoại trú và hẹn ngày tái khám. Về nhà, anh Đ. được người nhà đưa ra Trạm y tế phường ở nơi cư trú làm dịch vụ thay băng vết mổ. Tuy nhiên, cán bộ ở đây từ chối bởi lý do: “Không có băng lót khử trùng chuyên dụng, lại là vết thương sau phẫu thuật tim nên vào lại viện thay cho yên tâm”.
Thấy vậy, anh Đ. đành quay về nhà và quyết định tự thay băng sau khi vệ sinh vết thương bằng dung dịch Betadine. “Khi mới ở viện ra, mình nghĩ việc thay băng đơn giản nên ra trạm y tế phường là yên tâm. Ai dè, họ cũng từ chối?”, anh Đ. chia sẻ.
Định hướng năm 2020 của ngành Y tế là ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT và 100% vào năm 2025 dường như là bài toán “khó” đối với ngành Y tế. |
Thực trạng này không hiếm gặp ở các trạm y tế xã, phường. Mới đây, khi đánh giá về tuyến y tế cơ sở, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận: “Người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng, vì cán bộ y tế, chi trả thấp, danh mục thuốc ít, danh mục kỹ thuật ít. Đây cũng là lý do khiến người bệnh vượt lên tuyến trên tạo thành gánh nặng quá tải. Còn y tế cơ sở mất vai trò chăm lo sức khỏe nhân dân ngay tuyến đầu”.
Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, có những trạm y tế trung bình một ngày chỉ khám 10-15 người, thậm chí có nơi chỉ một vài người. Trên thực tế tại nhiều trạm y tế thiếu trang thiết bị dù chỉ là các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng sử dụng rất hạn chế.
Theo số liệu khảo sát từ ngành Y tế, chỉ khoảng 26% trạm có đủ trang thiết bị y tế thiết yếu; gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Ngoài ra, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả thuốc điều trị các bệnh mạn tính, thông thường.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ y tế cơ bản đủ nhưng chất lượng còn hạn chế. Đơn cử, tại một số trạm y tế khu vực miền núi, có đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào được chẩn đoán là tăng huyết áp; 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở… Các trạm y tế hiện chỉ đang thực hiện tiêm chủng, tư vấn dinh dưỡng...
Làm gì để giữ chân bệnh nhân y tế cơ sở?
Theo ông Khuê, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tại các trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ T.Ư về tư vấn, “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến đây thăm khám. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ đào tạo bác sĩ định hướng chuyên khoa y học gia đình cho các trạm y tế. “Bộ sẽ khuyến khích áp dụng mô hình khám chữa bệnh ban ngày nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường khám chữa bệnh và chăm sóc tại nhà. Song song với triển khai mạnh mẽ việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm…”, ông Khuê cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu BHXH gỡ nút thắt trong thanh toán BHYT ở trạm y tế xã. Theo đó, không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú như hiện nay mà thay bằng việc thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới…
Với cách làm trên, sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có kết quả khả quan. Cụ thể, đến thời điểm này, tất cả các xã trên địa bàn được lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, với 97,4% dân số đã được vào phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc triển khai quản lý, cấp thuốc điều trị ngoại trú tăng huyết áp và các bệnh mạn tính ngay tại tuyến cơ sở đã có hiệu quả rõ rệt, người bệnh được điều trị sớm, kiểm soát được chỉ số huyết áp, thuận lợi cho người dân và giảm chi phí y tế so với điều trị tại tuyến trên…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận