Sở hữu gương mặt điển trai, mái tóc bồng bềnh như tài tử điện ảnh nhưng Trần Danh Trung, cầu thủ trưởng thành từ lò Viettel (đang chơi cho CLB Huế theo dạng cho mượn) lại luôn thi đấu với tinh thần một chiến binh trên sân cỏ.
Chàng hot boy được săn lùng
Vài nét về Trần Danh Trung
- Sinh ngày: 3/10/2000
- Quê quán: Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế
- Chiều cao: 1m75
- Cân nặng: 70kg
- Sở thích ngoài bóng đá: Ca hát
- Thần tượng: Cựu danh thủ
Filippo Inzaghi
Viettel có lẽ chưa phải là một thế lực của bóng đá Việt Nam nhưng CLB này lại được biết đến khá nhiều. Đây là cái nôi sản sinh ra hai cầu thủ hot boy gồm Nguyễn Trọng Đại và Trần Danh Trung. Trọng Đại tỏa sáng từ năm 2016 trong màu áo U19 Việt Nam và hai năm sau, tới lượt đàn em Danh Trung gây ấn tượng mạnh khi khoác áo U19 Việt Nam rồi U22 Việt Nam dự giải Đông Nam Á. Nhắc đến chân sút trẻ này, không khó để hình dung về một chàng tiền đạo điển trai, mái tóc bồng bềnh, nước da trắng và luôn chơi đầy năng nổ, quyết tâm trên sân.
Danh Trung sinh ra ở Huế nhưng từ năm 11 tuổi đã Bắc tiến, gia nhập CLB Viettel. Nói về cái duyên của mình với đội bóng áo lính, Trung cho biết, anh đam mê bóng đá từ nhỏ, suốt ngày dính lấy trái bóng nhưng chưa khi nào nghĩ sẽ theo bóng đá chuyên nghiệp. Một ngày, chú ruột của tiền đạo sinh năm 2000 từ TP HCM gọi điện ra bảo CLB Viettel đang có đợt tuyển quân tại Huế, giục cháu tới đăng ký. Kết quả, anh nằm trong số 5 cầu thủ trẻ năng khiếu xuất sắc nhất Cố đô được chọn ra Trung tâm Đào tạo Viettel. Qua quá trình sàng lọc, chỉ còn Danh Trung và Hữu Thắng trụ lại, tiếp tục phát triển.
Trong khi Hữu Thắng sớm gây ấn tượng mạnh mẽ, cùng U16 Việt Nam về Nhì Đông Nam Á, vào tứ kết U17 châu Á 2016. Còn Danh Trung thì một năm sau mới ra mắt U19 Viettel ở giải U19 Quốc gia. Khi ấy, từ một cái tên lạ hoắc, tiền đạo gốc Huế gây bất ngờ với việc giành danh hiệu Vua phá lưới (6 bàn thắng). Giới chuyên môn đánh giá cao cậu ở khả năng dứt điểm đa dạng, chạy chỗ thông minh cùng tinh thần chiến đấu như một chiến binh. “Với Trung, việc ghi bàn là mục tiêu đầu tiên và duy nhất. Em có khát khao rất lớn mỗi khi ra sân, thể hiện rõ nhất qua những bước chạy luôn giàu năng lượng”, HLV Đinh Thế Nam nhận xét về cậu học trò cũ.
Bước sang năm 2018, chàng trai 18 tuổi tiếp tục được triệu tập lên các đội trẻ như U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á và U19 châu Á rồi sau đó là Cúp Tứ hùng giao hữu tại Qatar. Đầu năm 2019, Trần Danh Trung cùng đoàn quân của HLV Nguyễn Quốc Tuấn tham dự giải U22 Đông Nam Á tại Campuchia. Anh chơi xuất sắc với 3 pha lập công và được HLV Park Hang-seo chấm vào đội hình dự vòng loại U23 châu Á 2020. Dù chưa có cơ hội thể hiện nhưng cứ theo đà hiện tại, sớm muộn chân sút Cố đô cũng sẽ là nhân tố chính ở tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam.
Nhớ lại giai đoạn tập tễnh bước chân vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp, phải tự lập ở mội nơi xa nhà tới hơn 600km, cậu bé 11 tuổi thường hay khóc nhè: “Lần đầu tiên tôi đi xa đến vậy, không có bố mẹ ở bên, nhiều đêm nhớ nhà đến phát khóc. Lâu dần, được các thầy động viên, đồng đội giúp đỡ tôi cũng quen môi trường mới”.
Về mặt chuyên môn, chàng trai Huế ban đầu cũng gặp vô vàn khó khăn khi bị ép vào khuôn khổ. “Ở đội, giờ giấc tập luyện như quân lệnh, rất nghiêm. Với một cậu bé chưa từng kinh qua như tôi đương nhiên rất khó khăn. Đó là chưa kể tới việc phải căng mình hoàn thành các giáo án. Nhiều hôm tập thể lực mệt tới mức không muốn ăn cơm, đôi chân mỏi nhừ nhưng đã trót mang đam mê trái bóng tròn nên tôi phải nỗ lực vượt qua”.
Chàng trai tình cảm
Kể từ khi tỏa sáng trong màu áo U22 Việt Nam tại giải U22 Đông Nam Á, Trần Danh Trung nhận được rất nhiều sự quan tâm của các fan nữ. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngoài tài năng trên sân cỏ, anh sở hữu một gương mặt sáng không thua kém các tài tử điện ảnh. Các buổi tập của CLB Viettel hay xuất hiện dàn CĐV nữ đứng đợi sẵn bên ngoài, chỉ chờ hết giờ là lao tới tặng quà và xin chụp ảnh chung cùng tiền đạo quê TX Hương Trà. “Tình cảm của người hâm mộ là điều tôi rất trân trọng, nhưng nói thật tôi cảm thấy rất ngại bởi thâm tâm cảm thấy mình chưa làm được gì to tát cả”, Danh Trung trải lòng.
Trên sân bóng, cầu thủ sinh năm 2000 giống như một chiến binh nhưng ngoài đời anh lại là chàng trai nhẹ nhàng, tình cảm. Các đồng đội ở CLB Viettel vẫn nói đùa rằng Trung giống con gái bởi ngoài nước da trắng, tiền đạo 18 tuổi luôn ăn nói từ tốn và gần như không biết nổi cáu. Ngoài ra, anh rất quan tâm tới những người xung quanh.
Xa gia đình từ năm 11 tuổi để ra Hà Nội học bóng đá và dù đã trở về Huế chơi cho đội bóng quê hương từ đầu năm nay nhưng Trung phải ăn ở tập trung với đội, ít có cơ hội về thăm nhà. Thế nên, mỗi lần về thăm nhà cầu thủ sinh năm 2000 dành nhiều thời gian để chia sẻ cùng bố mẹ những vui buồn trong công việc, cuộc sống. Nhưng anh không dám nói quá chi tiết, đặc biệt khi dính chấn thương bởi sợ bố mẹ lo lắng. “Có lần, tôi bị đau cổ chân trái, được nghỉ vài ngày nên tranh thủ về thăm nhà. Tôi cố gắng đi lại bình thường nhưng chẳng may vấp phải con mèo, giật mạnh cái chân bị đau nên ôm mặt nhăn nhó. Bố mẹ thấy thế liền bắt tôi đi khám dù tôi giải thích các bác sĩ ở đội đã khám và phát thuốc điều trị”, chân sút 18 tuổi kể lại.
Trong gia đình, Trung hay tâm sự với bố hơn. Anh cũng thừa nhận học được bản lĩnh, đức tính chịu thương chịu khó, hi sinh từ bố nên coi những khó khăn, vất vả là cơ hội để mình trưởng thành. “Giờ lớn rồi nhưng nếu ở nhà thì tôi vẫn có thói quen ngủ cùng bố, cảm giác rất bình yên. Có đêm, hai bố con mải nói chuyện quên thời gian, đến khi gà nhà hàng xóm gáy báo thức mới rục rịch đi ngủ. Hôm sau, bố vẫn dậy sớm đi làm còn tôi thì ngủ một mạch tới trưa”, tiền đạo trưởng thành từ lò Viettel cười nói.
Được biết, ông Nhân - bố tiền đạo đang chơi ở Giải hạng Nhất Quốc gia làm công nhân. Còn mẹ anh, bà Tình ở nhà nội trợ nên cuộc sống chẳng mấy khấm khá. Dẫu vậy, từ nhỏ, Danh Trung luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để ăn học. Giờ, khi đã đến tuổi trưởng thành, có thu nhập từ đá bóng, anh gần như tặng tất cả cho bố mẹ, chỉ giữ lại một chút để mua quần áo cũng như đồ dùng cá nhân.
Nhận những đồng tiền con cóp nhặt gửi về, ông Nhân, bà Tình bảo chẳng nỡ tiêu, muốn giữ để sau này lo chuyện trăm năm cho con trai. “Em nó gửi về bao nhiêu cô đều giữ lại, coi như thay em nó tiết kiệm. Cô chú ở nhà dựa vào lương của chú cũng đủ sinh hoạt. Chỉ mong sao em luôn chân cứng đá mềm, khỏe mạnh, thi đấu tốt, không phải bận tâm gì tới bố mẹ ở nhà cả”, bà Tình nhắn nhủ con trai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận