Đường bộ

Tràn lan vi phạm, nhiễu loạn vận tải

14/03/2023, 08:45

Việc dùng xe trung chuyển trái phép chở khách, trường hợp xảy ra sự cố sẽ không có cơ sở pháp lý để được bồi thường bảo hiểm cho khách.

Hôm qua (13/3), Báo Giao thông đã đăng tải bài viết Xe hợp đồng trá hình “len lỏi” trong doanh nghiệp tuyến cố định. Đáng nói, không chỉ cố tình cắt bớt “lốt” chạy trong bến xe, sử dụng xe hợp đồng “trá hình” vận chuyển khách, không khó để nhận thấy còn rất nhiều của các nhà xe tuyến cố định cần được lực lượng chức năng nghiêm khắc xử lý.

Tự ý tăng giá vé, chạy sai luồng tuyến

img

Dù giá vé niêm yết trên bảng điện tử trong bến xe Nước Ngầm của nhà xe Vân Anh ghi từ 180-200 nghìn đồng nhưng nhà xe này tự ý thu giá vé 250.000 đồng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 4/3, tại quầy vé của nhà xe Vân Anh trong bến xe Nước Ngầm, dù bảng điện tử ghi giá vé niêm yết về bến xe phía Bắc Thanh Hoá từ 180 - 220 nghìn đồng/giường nhưng lại thu tiền của hành khách 250 nghìn đồng/giường và không ghi rõ giá tiền trên vé xe.

Sau khi nhận vé, PV và nhiều khách được hướng dẫn lên xe BKS 29B - 200.36 đỗ chờ khách trong bãi của bến xe. Dù đã đổi phù hiệu xe tuyến cố định nhưng chiếc xe này vẫn dán dòng chữ “xe hợp đồng” ở chính giữa kính trước.

Sau khi kiểm tra vé, tài xế thu lại cả 2 liên mà không đưa lại cho hành khách 1 liên theo quy định. Khi khách ngỏ ý xin lại vé, thay vì đưa đúng vé xe ban đầu, tài xế này lại đưa 1 vé trống và bảo khách tuỳ ý ghi nội dung.

Đáng chú ý, dù giờ xuất bến là 9h20 nhưng 9h36 chiếc xe này mới bắt đầu rời bến Nước Ngầm do chờ đợi khách đã hẹn trước mà không có sự nhắc nhở nào từ bến xe.

img

Danh sách hành khách và giá vé mỗi người được ghi cụ thể để tài xế rà soát khi thu lại vé lúc lên xe

Cũng như nhà xe Vân Anh, chiếc xe khách phù hiệu tuyến cố định BKS 15B-026.45 của nhà xe Kết Đoàn không niêm yết giá vé cũng như lộ trình di chuyển trên xe, thu tiền khách hàng từ Hải Phòng - Hà Nội với giá 150.000 đồng.

Ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, giá niêm yết tuyến Hải Phòng - Hà Nội của nhà xe Kết Đoàn theo đăng ký là 130.000 đồng. Ngoài ra, tất cả xe khách từ bến xe Thượng Lý (Hải Phòng) đi Hà Nội trên địa bàn đều được cấp luồng tuyến bến xe Thượng Lý - bến xe Giáp Bát.

Như vậy, việc xe khách BKS 15B-026.45 của nhà xe Kết Đoàn thu giá vé 150.000 đồng/người, chở khách về văn phòng đại diện Mỹ Đình cho thấy nhà xe này đã tự ý tăng giá vé và xe chạy sai luồng tuyến được cấp phép.

“Đối với 2 biển số xe 16 chỗ mà PV Báo Giao thông phản ánh của nhà xe Kết Đoàn qua tra cứu dữ liệu cho thấy cả 2 xe này đều là xe được cấp phù hiệu hợp đồng. Việc xe hợp đồng gom khách lẻ, bán vé cho từng người, chở khách tuyến cố định đã vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP”, ông Quang nói và cho biết, sẽ kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của nhà xe Kết Đoàn.

img

Dù là xe hợp đồng trá hình hay xe tuyến cố định, nhà xe Kết Đoàn đều thu giá vé 150.000 đồng/người

Đối với nhà xe Vân Anh chạy tuyến bến xe phía Bắc (Thanh Hoá) - bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hoá cho biết, đơn vị này chưa cấp phù hiệu xe trung chuyển cho nhà xe Vân Anh. Những chiếc xe 16 chỗ nhà xe này đang sử dụng để đưa đón hành khách từ nhà đến văn phòng đại diện và ngược lại là trái phép.

Theo ông Thuận, năm 2019 khi dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hành khách, nhà xe Vân Anh đã xin ngừng hoạt động tuyến cố định và được Sở GTVT Thanh Hoá thu tem tuyến.

Trong khoảng thời gian này, nhà xe Vân Anh lập văn phòng đại diện và sử dụng xe hợp đồng để chở khách. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, tổ kiểm tra liên ngành Sở GTVT Thanh Hoá đã xử phạt nhà xe Vân Anh với các lỗi: Không có nơi đỗ xe theo quy định; Không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách đến Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển theo quy định với tổng số tiền phạt 14 triệu đồng.

Đến nay, sau quá trình vận động, nhà xe Vân Anh đã xin cấp phép kinh doanh vận tải khách tuyến cố định trở lại, luồng tuyến Bến xe phía Bắc Thanh Hoá - Bến xe Nước Ngầm với 9 xe và 24 chuyến trong ngày, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3/2023.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết, nhà xe Vân Anh đã quay lại bến hoạt động từ tháng 3/2023 và đang xây dựng văn phòng bán vé, nhà chờ cho khách hàng tại bến xe này.

Tuy nhiên, theo vị Trưởng bến Bến xe phía Bắc, dù đã đăng ký luồng tuyến và hoạt động tại bến nhưng từ ngày 1/3 - 6/3, doanh nghiệp này chưa đưa xe vào hoạt động tại đây.

Khi PV đề nghị ông Lịch kiểm tra thông tin 1 số xe khách nhà xe Vân Anh đón/trả khách từ Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại những ngày qua có vào bến đóng lệnh hay không, vị này cho biết người phụ trách đóng lệnh trong buổi sáng đã đổi ca nên chưa thể tra được.

img

"Bến cóc" tại 40 Lê Hoàn (Thanh Hoá) của nhà xe Vân Anh vẫn tồn tại dù doanh nghiệp này đã xin vào hoạt động tại bến xe phía Bắc Thanh Hoá

Buông lỏng quản lý, xe khách nhờn luật?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc sử dụng các xe trung chuyển trái phép chở khách, trường hợp trên đường xảy ra sự cố sẽ không có cơ sở pháp lý để được bồi thường bảo hiểm cho hành khách.

“Lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Quyền nói và cho biết, để các xe này vào đưa đón khách tại bến Nước Ngầm thường xuyên, liên tục còn có trách nhiệm của bến xe.

Ngoài ra, việc các tuyến xe hợp đồng trá hình xuất hiện trong doanh nghiệp vận tải, khiến những doanh nghiệp này vô tư cắt “lốt” trong bến, bỏ ra ngoài chạy xe hợp đồng trá hình thay thế trong các khung giờ còn lại đã gây ra sự nhiễu loạn vận tải, dần dần “giết mòn” tuyến cố định cũng như sự hoạt động của các bến xe.

img

Xe trung chuyển trái phép của nhà xe Vân Anh dùng đưa đón/trả khách tại Thanh Hoá

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP Luật sư Kết nối cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải gom khách, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách; ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải sử dụng xe trung chuyển chở hành khách không đúng quy định. Ngoài ra, người điều khiển xe không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định sẽ phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng.

Đối với chủ xe không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, sẽ phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải hành khách đón khách không đúng nơi quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.

Luật sư Hùng nhấn mạnh: Chế tài xử phạt đã có, thẩm quyền xử lý thuộc về lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, các vi phạm của nhiều nhà xe vẫn tái diễn. Có thể do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng cũng có thể do tình trạng buông lỏng quản lý, xử phạt chưa nghiêm từ phía các lực lượng chức năng dẫn đến một số đơn vị vận tải hành khách “nhờn luật”, liên tục tái diễn hành vi vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.