Là một phần trong nỗ lực điện hóa phương tiện giao thông, giảm phát thải tại Mỹ, Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mở rộng trợ giá cho các hãng xe sản xuất phương tiện không phát thải có nhà máy tại Mỹ.
Đáng chú ý, trong danh sách này không có các thương hiệu ô tô lớn như Toyota, Honda (Nhật) và kể cả Tesla. Dự luật này sẽ còn phải được Thượng viện chấp thuận.
Một nhà máy sản xuất ô tô của Toyota tại Mỹ. Ảnh: Detroit Bureau
Hứa hẹn giảm 1/3 giá xe
Đề xuất do các Nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Hạ viện đưa ra và được Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ, coi đây là một phần quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa xe điện chiếm 50% doanh số ô tô tại Mỹ tính đến năm 2030, thúc đẩy công việc sản xuất ô tô tại nước này.
Theo đề xuất, Chính phủ Mỹ có thể trợ giá tới 12.500 USD/phương tiện, đối với các mẫu xe được lắp ráp trong những nhà máy có thỏa thuận thương lượng tập thể với nghiệp đoàn công nhân ô tô tại Mỹ và sử dụng pin được sản xuất tại nước này.
Còn mức trợ giá đối với hầu hết ô tô điện bình thường khác vẫn giữ nguyên 7.500 USD như hiện nay. Các công ty đã đạt mức 200.000 xe điện vẫn tiếp tục hưởng lợi.
Ngoài ra, các Nghị sĩ cũng đề xuất trợ cấp một khoản lên tới 2.500 USD cho người mua xe điện đã qua sử dụng.
Với dự luật này và một số sửa đổi khác, giá một số loại xe điện như Chevrolet Bolt của GM có thể giảm khoảng 1/3, tạo điều kiện để cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn các mẫu xe điện cùng phân khúc.
Theo Hạ nghị sĩ Dan Kildee, đại diện bang Michigan, dự luật trợ cấp xe điện mới sẽ có tổng giá trị ước tính 33 - 34 tỷ USD với kỳ vọng trong 10 năm, công nhân Mỹ sẽ được hưởng mức lương tốt hơn từ ngành sản xuất xe điện.
Vì sao nghiệp đoàn công nhân ô tô Mỹ lại quan trọng?
Theo thông tin mô tả về Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (United Auto Workers - UAW) trên tài khoản Linkedin (trang mạng xã hội dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp), UAW được thành lập từ năm 1935 là một trong những nghiệp đoàn đa dạng và lớn nhất tại khu vực Bắc Mỹ.
UAW có 400.000 thành viên là lao động đang làm việc và hơn 580.000 lao động đã nghỉ hưu, có mặt trong tất cả các ngành kinh tế tại Mỹ, Canada và Puerto Rico.
Tổ chức này đại diện người lao động, thương lượng thỏa thuận với các chủ lao động về lương, thưởng và phúc lợi cho thành viên. Những lao động thuộc UAW sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như bảo hiểm y tế do chủ lao động chi trả, phụ cấp chi phí sinh hoạt, đảm bảo lương ổn định, được đào tạo phát triển nghề nghiệp…
UAW sẽ đứng ra tổ chức, kêu gọi người lao động biểu tình khi nhận thấy quyền lợi của công nhân chưa tương xứng.
Tại thời điểm giữa tháng 9 cách đây 2 năm, đã có hơn 48.000 thành viên UAW biểu tình chống General Motors (GM), đánh dấu lần đầu tiên xảy ra biểu tình trên diện rộng trong ngành công nghiệp này kể từ năm 2007.
Phía nghiệp đoàn cho rằng, GM thiếu quan tâm tới chăm sóc y tế, không đảm bảo việc làm và chế độ lương bổng cho công nhân. Mâu thuẫn với nghiệp đoàn khiến GM thiệt hại tới 1 tỷ USD.
Tranh cãi về phân biệt đối xử
Công nhân kiểm tra bề mặt ô tô trong nhà máy của Toyota tại Priceton, bang Indiana, Mỹ. Ảnh: AP
Trong dự luật vừa nêu, điều kiện gây tranh cãi nhất chính là phương tiện phải được sản xuất tại nhà máy có thỏa thuận thương lượng với UAW. Theo đó, chỉ có ba “ông lớn” trong ngành ô tô Mỹ là GM, Ford và Stellantis NV (công ty mẹ của Chrysler) có đủ điều kiện để hưởng lợi.
Trái lại, các thương hiệu sản xuất ô tô nước ngoài đang vận hành tại Mỹ và hãng xe điện mới nổi Tesla không có công đoàn đại diện cho lao động, không được hưởng mức trợ giá tối đa.
Phàn nàn về dự luật, Honda - công ty đang có nhà máy sản xuất tại các bang Ohio, Alabama và Indiana cho rằng, công nhân của họ nên được Quốc hội Mỹ đối xử công bằng và không đáng bị phân biệt đối xử chỉ vì không có công đoàn đại diện.
“Nếu Quốc hội Mỹ nghiêm túc giải quyết khủng hoảng khí hậu và mong muốn đạt mục tiêu chế tạo xe điện thì nên đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả các loại xe điện do công nhân ngành ô tô Mỹ sản xuất”, theo thông báo của Honda.
Tập đoàn Toyota nhận định, dự luật này ảnh hưởng tới mục tiêu chung về giảm khí thải carbon và biến mục tiêu đẩy nhanh tiến trình triển khai phương tiện điện thành điều kiện phân biệt đối xử giữa các công nhân trong ngành sản xuất ô tô Mỹ.
Theo trang tin Eenews, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Tesla cũng có phàn nàn tương tự. Chia sẻ qua Twitter, ông Musk tỏ ý nghi ngờ hãng xe Ford và công đoàn UAW đứng sau vận động hành lang cho dự luật này.
Dự luật còn phải được Thượng viện Mỹ thông qua
Dự luật mở rộng trợ giá cho các hãng xe sản xuất phương tiện không phát thải có nhà máy tại Mỹ đã được Ủy ban Giải pháp và Cách thức Hạ viện Mỹ thông qua cách đây vài ngày và sẽ phải vượt qua chướng ngại tại Thượng viện vì tỷ lệ Nghị sĩ giữa hai Đảng Cộng hòa - Dân chủ đang ngang bằng trong khi Đảng Cộng hòa không đồng tình với phần lớn dự luật. Để được thông qua, bắt buộc 50 Thượng Nghị sĩ theo Đảng Dân chủ tại Thượng viện phải chấp thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận