Chính trị

Tranh cãi quanh việc bỏ hay giữ HĐND cấp cơ sở

20/01/2015, 14:18

HĐND thể hiện quyền giám sát của nhân dân, liệu khi bỏ HĐND, quyền giám sát của dân có được đảm bảo hay không?

quoc-hoi
Các đại biểu cho rằng, dù đổi mới theo hướng nào, bỏ hay giữ HĐND cấp cơ sở thì cũng đề nghị phải có cơ sở chính trị, phù hợp với thực tiễn 

Sáng nay, trong phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã đưa ra 2 phương án đang được quan tâm trong Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể:

Phương án 1: Ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban nhân dân) tại thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Phương án 2: Tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có HĐND và Ủy ban nhân dân) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.  

Mô hình tổ chức chính quyền cũ đã bộc lộ những khiếm khuyết

Sáng 20/1, Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề lớn còn gây tranh cãi xung quanh Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đưa ra nhận định, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, rõ ràng mô hình tổ chức chính quyền cũ đã bộc lộ những khiếm khuyết, nếu tiếp tục duy trì thì sẽ trì trệ, vì thế, đây chính là thời điểm cần chuyển biến mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, UBND và HĐND giám sát quyền lực cấp quận và cấp thành phố là quan trọng nhất.

“Đó là những cơ quan đảm bảo giám sát anh có làm đúng luật không, có lộng quyền không, có tham nhũng hay không. Điều kiện, hoàn cảnh sống ở nông thôn khác với thành phố, ở thành phố người dân sống tập trung hơn, có điều kiện thụ hưởng chung nên tôi nghĩ, HĐND chỉ nên có ở cấp quận và cấp thành phố, và bỏ HĐND cấp phường” – ông Ksor Phước nêu ý kiến..

Ông Ksor Phước cho rằng, đối với cấp phường, việc giám sát quyền lực của UBND phường có thể do HĐND cấp quận, tỉnh thực hiện bằng cách tăng đại biểu HĐND.

“Quyền lực là phải giám sát nhưng không có nghĩa phải do cơ quan cùng cấp thực hiện” – ông Phước nhấn mạnh.

Ông Phước cũng đề xuất thêm, đối với chức danh Chủ tịch UBND phường nên để cho dân bầu trực tiếp để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, nên bỏ HĐND cấp phường vì thực chất, vai trò quyết định của HĐND cấp phường ít. Mặt khác, ở các nước Quốc hội còn giám sát xuống tận dưới.

Qua đặc thù của chính quyền đô thị cấp cơ sở, ông Thảo cho rằng cấp phường có thể không cần phải có HĐND, nhưng phải có UBND, như thế sẽ hài hòa, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

hdnd
Nhiều đại biểu cho rằng, ở đâu có chính quyền, ở đó phải có HĐND giám sát

Ở đâu có chính quyền, ở đó phải có HĐND và UBND

Trái với quan điểm nên bỏ HĐND cấp phường, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại nhấn mạnh rằng, ở đâu có chính quyền thì ở đó có HĐND và UBND.

“Trên thực tế, hiện nay, cấp phường quản lý rất nhiều vấn đề, quyền lực của cấp phường rất lớn, vì vậy, không có lẽ gì mà với một cơ quan có quyền lực lớn như thế mà lại không có đơn vị giám sát?” – ông Hiển đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách đặt ra thắc mắc: “Tại sao Thị trấn có HĐND mà cấp phường không có? Thị trấn con con còn có HĐND mà cấp phường không có là không hợp lý”.

Về khái niệm Phòng quản lý hành chính ở phường, ông Hiển cho hay, qua bao nhiêu năm tổng kết, tôi không hiểu tại sao lại đưa ra một khái niệm như thế này, đây là một bước thụt lùi không thể chấp nhận được.

“Bao nhiêu năm xây dựng chính quyền mà đưa ra khái niệm này thì tôi thấy lạ kỳ thật” – ông Hiển nhấn mạnh. Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, hiện nay, phân cấp nhiệm vụ của các cấp chính quyền cứ na ná như nhau nên muốn xử lý việc gì cũng rất khó.

“Tôi nghĩ phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, bởi nếu cứ để chính quyền cấp xã, huyện, cấp Trung ương cái gì cũng đều giống nhau thì sau này giải quyết việc gì cũng khó, ngân sách cũng không biết phải chi như thế nào, như vậy cũng sẽ không đảm bảo tinh thần của hiến pháp” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, về cơ bản, ông đồng tình với các ý kiến trong tờ trình mà đại diện Ủy ban Pháp luật đã trình bày.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng cần bổ sung một chương quy định về đơn vị hành chính đặc biệt, trong đó quy định rõ cơ chế thành lập, giải thể đơn vị hành chính đặc biệt này” – ông Hiện đề xuất.

Về mô hình chính quyền địa phương, ông Hiện cho rằng, trong nhà nước pháp quyền XHCN như nước ta, thì tốt nhất là ở đâu có chính quyền địa phương thì ở đó phải có HĐND giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước ở địa phương.

“Việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở phường thực ra rất quan trọng, không khác gì ở huyện, ở xã. Vậy tại sao ở huyện, ở xã có đơn vị giám sát chính quyền mà ở phường lại không có. Vấn đề này cũng nên lấy ý kiến đại đa số nhân dân xem dân có đồng ý không” – ông Hiện nêu quan điểm.

Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý giải thích rằng, Luật này không phải không quan tâm đến quyền của nhân dân là giám sát. “Không có HĐND ở cấp đó không có nghĩa là không có giám sát. Cả hai phương án đưa ra đều có những mặt hạn chế và những ưu điểm riêng” – ông Lý nhấn mạnh.

Tổng kết lại, các đại biểu cho rằng, dù đổi mới theo hướng nào, bỏ hay giữ HĐND cấp cơ sở thì cũng đề nghị phải có cơ sở chính trị, phù hợp với thực tiễn và Hiến pháp hiện hành.

Hoài Thu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.