Thế giới giao thông

Tranh cãi quy định tài xế Uber là nhân viên chính thức

20/10/2022, 08:00

Bộ Lao động Mỹ vừa đưa ra một đề xuất về người lao động có thể tác động tới các hãng gọi xe, giao đồ ăn ở nước này.

Bộ Lao động Mỹ vừa đề xuất một quy định để có thể đưa nhiều lao động độc lập trong nền kinh tế tự do vào danh sách trả lương chính thức và được hưởng các quyền lợi y tế, nghỉ phép khác của công ty.

Trong đó có các công ty kinh doanh dựa trên ứng dụng như hãng gọi xe Uber hay hãng giao đồ ăn DoorDash.

Người lao động hy vọng…

img

Một người giao thực phẩm bằng xe đạp của Uber Eats. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, đề xuất của Bộ Lao động Mỹ sẽ bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp như các hãng gọi xe Uber, Luft phải coi người cùng hợp tác với các nền tảng công nghệ để giao hàng, vận chuyển hành khách là người lao động (employee) có kinh tế phụ thuộc vào công ty, đồng nghĩa được hưởng thêm nhiều quyền lợi và được pháp luật bảo vệ.

Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong năm tới, sau khi hoàn tất 45 ngày lấy ý kiến cộng đồng bắt đầu từ ngày 13/10.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, sẽ cân nhắc cơ hội lãi hay lỗ, đầu tư, mức độ kiểm soát của người sử dụng lao động đối với người lao động và liệu công việc đó có phải là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của người sử dụng lao động hay không…

Hầu hết luật lao động bang và liên bang, như quy định yêu cầu lương tối thiểu hoặc trả lương làm thêm giờ, chỉ áp dụng với lao động của một công ty và khiến doanh nghiệp phải chi trả thêm 30% chi phí lao động so với việc sử dụng những người làm hợp đồng độc lập.

Hiện tại, đang có hàng triệu người Mỹ làm công việc tự do và lực lượng lao động này rất quan trọng đối với một số lĩnh vực vận tải, xây dựng, chăm sóc sức khỏe… tại Mỹ

Trong một thông báo, Bộ trưởng Lao động Mỹ Marty Walsh cho biết, các doanh nghiệp thường không phân loại những lao động dễ bị tổn thương, dẫn tới lao động không được hưởng các quyền bảo vệ liên bang như quyền được thanh toán đầy đủ tiền lương mà họ kiếm được một cách hợp pháp.

Bà Liz Shuler, Chủ tịch Liên đoàn Lao động và Đại hội Tổ chức công nghiệp (AFL-CIO) Mỹ cho biết, đề xuất trên sẽ trao cho Chính phủ Mỹ những công cụ để bảo vệ người lao động trước thực trạng phân loại lao động không chính xác ngày càng nhiều hiện nay.

Trước động thái trên, cô Nicole Moore, một tài xế hợp tác với hãng xe công nghệ Lyft (tương tự Uber) và là Chủ tịch nhóm tài xế chia sẻ chuyến đi cho biết, đây thực sự là động thái quan trọng để làm rõ các quy định ở cấp liên bang.

Cô hy vọng sẽ khuyến khích các nghị sĩ thay đổi luật, làm rõ và luật hóa để tránh việc phân loại sai lao động.

Cùng chung mong muốn trên, cô Christina Brown, tài xế hợp tác với cả Uber và Lyft tại bang Arizona chia sẻ thêm, mỗi giờ cô kiếm được từ 25 - 60 USD nhưng số tiền cô thực sự có thể mang về nhà thì chỉ ngang mức lương cơ bản, vì bị hao hụt bởi các chi phí khác như giá xăng dầu, bảo hiểm, chi phí ô tô.

Doanh nghiệp phản đối

Tuy nhiên, việc cải tổ luật pháp kể trên đang gây ra nhiều tranh cãi. Luật mới sẽ “lật đổ” quy định hiện hành được thông qua dưới thời ông Donald Trump.

Trong đó, người lao động đã có công việc riêng hoặc làm thêm việc cho các công ty đối thủ như tài xế hợp tác với cả Uber hoặc Lyft, đều sẽ bị coi là lao động hợp đồng.

Cố vấn pháp luật về lao động Seema Nanda – quan chức thuộc bộ phận pháp chế của Bộ Lao động Mỹ cho biết, quy định dưới thời ông Trump đã lạc hậu so với các phán quyết của tòa án liên bang hàng thập kỷ qua.

Trong khi đó, đề xuất mới lại tương tự hướng dẫn pháp lý được ban hành từ dưới thời chính quyền ông Barack Obama mà ông Trump đã rút lại ngay sau khi lên cầm quyền.

Đồng thời, đề xuất mới có tham khảo thêm các luật nghiêm ngặt mà một số bang của Mỹ đã thực hiện, trong đó bang California yêu cầu các công ty phải coi hầu hết người được thuê về làm việc là người lao động, được hưởng lương theo quy định của bang.

Tuy nhiên, các nhóm đại diện cho doanh nghiệp cho rằng, những quy định trên quá phổ quát, có thể ảnh hưởng tới những lao động muốn duy trì cách làm việc độc lập và linh hoạt.

Họ gọi đây là quy định không cần thiết. Các công ty như Uber thì cho rằng chính quyền Mỹ nên lắng nghe người lao động.

Dù còn phải mất nhiều tháng đề xuất mới có thể thành luật nhưng ngay sau khi được công bố, viễn cảnh trên đã khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Cổ phiếu của Uber, Lyft và DoorDash trên sàn chứng khoán tại New York lập tức giảm khoảng 7% vào trưa 11/10.

Theo thống kê của thị trường lao động tự do Upwork vào tháng 12/2021, trong hơn 12 tháng qua, có hơn 1/3 lao động tại Mỹ (tương đương gần 60 triệu người) đang làm công việc tự do.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.