Thế giới

Tranh cãi về quyền được lãng quên trên internet

04/10/2019, 07:28

Khi internet phát triển, việc tìm kiếm thông tin từ quá khứ đến hiện tại rất dễ dàng, làm nảy sinh tranh cãi tại Pháp về “quyền được lãng quên”.

img
Khi internet ngày càng phổ cập, con người có thể tìm kiếm gần như mọi thông tin từ quá khứ đến hiện tại

Người xưa có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn, trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, có nghĩa tội lỗi, sai lầm hoặc hành động nào đó của một người trong quá khứ có thể bị lưu truyền trong xã hội nhiều năm sau. Thậm chí, ngày nay, khi internet ngày càng phổ cập, con người có thể tìm kiếm gần như mọi thông tin từ quá khứ đến hiện tại chỉ bằng một cú nhấp chuột thì những “bia miệng” lại càng được lưu truyền lâu đời và rõ nét hơn với cả hình ảnh và văn bản. Điều này đã làm nảy sinh tranh cãi rầm rộ tại Pháp về “quyền được lãng quên” của con người.

Quyền được lãng quên là gì?

Đây là quyền của một người được tự do quyết định cuộc sống mà không bị lên án bởi hậu quả để lại từ hành động người đó thực hiện trong quá khứ. Một người có quyền này đồng nghĩa họ được gỡ bỏ những thông tin, hình ảnh, video có liên quan tới mình trên mạng internet và người khác không thể tìm được chúng thông qua các trang web tìm kiếm như Google.

Nếu như quyền bảo mật thông tin cá nhân liên quan đến những thông tin không được công chúng biết đến thì quyền được lãng quên lại ảnh hưởng đến những thông tin cá nhân đã từng được công bố trước dư luận trong quá khứ nhưng hiện tại cá nhân này không còn liên quan, không còn chịu trách nhiệm và không muốn để bên thứ ba tiếp cận.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng với những người nổi tiếng từng bị dính bê bối hoặc hiểu nhầm không đáng có… và lại càng phổ biến hơn trong bối cảnh con người ngày càng dễ dàng quay, chụp lại hình ảnh trong cuộc sống, đăng tải lên mạng xã hội khiến những người bình thường cũng rất dễ dính vào bê bối, bị dư luận chỉ trích và để lại dấu vết không hay trên internet.

img

Quyền được lãng quên xuất phát từ một khái niệm trong chính hệ thống tư pháp hình sự của Pháp có tên gọi droit à l’oubli, với nội dung người phạm tội sau khi chấp hành xong án phạt có thể đề nghị các bên thứ ba không công khai tiền án tiền sự của họ, từ đó giúp họ dễ tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, chưa có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận hoặc đưa quyền được lãng quên vào hệ thống pháp luật, chỉ có một số nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ở Hàn Quốc, không ít nhà kinh doanh nhạy cảm đã biết tận dụng những vấn đề liên quan đến quyền này để kiếm tiền. Đã có rất nhiều công ty được thành lập tại đây với mục đích giúp khách hàng tìm kiếm, xóa bỏ “dấu vết” trong quá khứ của họ trên internet.

Lo ngại mất tự do ngôn luận

Tranh cãi nảy sinh ở chỗ, có người cho rằng, đây là một quyền con người đáng được ghi nhận. Trong khi, theo ý kiến một số chuyên gia, việc bắt các trang tìm kiếm gỡ thông tin là một hình thức kiểm duyệt nội dung và xâm phạm vào quyền tự do ngôn luận. Mâu thuẫn này rõ nét nhất là tại Pháp.

Cuối tháng 9 vừa rồi, Tòa án Tư pháp Liên minh châu Âu đã bác bỏ nỗ lực của Paris nhằm áp quyền được lãng quên của EU đối với người dùng internet trên toàn thế giới.

Phán quyết của EU đã giải quyết tranh cãi kéo dài suốt nhiều năm giữa Pháp và Google về quyền bị lãng quên liên quan đến vụ kiện xuất phát từ quyết định năm 2016 của Ủy ban quốc gia về thông tin và quyền tự do Pháp (CNIL).

Luật EU cho phép công dân và người dân sinh sống trong khối này được yêu cầu trang web hoặc công cụ tìm kiếm xóa hoặc bỏ đường dẫn thông tin cá nhân có thể đã lỗi thời hoặc quá xâm phạm vào quyền riêng tư.

Trong 5 năm kể từ khi Tòa án châu Âu lần đầu tiên thông báo về quyền này, Google đã nhận được hơn 846.000 yêu cầu để xóa tổng cộng 3,3 triệu đường dẫn. Google đã đáp ứng yêu cầu của khoảng 55% trong số đó.

Pháp vốn coi việc được lãng quên là một khía cạnh cơ bản trong quyền riêng tư của con người luôn tranh cãi rằng, Google cần phải xóa các thông tin theo quyền này trên toàn cầu.

img

Quan điểm của Pháp cho rằng, đây là cách duy nhất để bảo vệ trọn vẹn quyền cá nhân. Do đó, năm 2016, CNIL phạt Goolge 100.000 euro vì từ chối thực thi “quyền được lãng quên” trên toàn cầu, thay vì chỉ áp dụng với các phiên bản công cụ tìm kiếm tại châu Âu.

Trong khi đó, Google giữ quan điểm: Quyền được lãng quên ảnh hưởng tới các quyền cơ bản khác trong đó có tự do ngôn luận. Để cân bằng, Google chỉ xóa đường liên kết của những trang web liên quan khi người dùng tìm kiếm tên một người có liên quan đến quyền trên trong phạm vi châu Âu. Những đường dẫn này vẫn được nhìn thấy nếu người được tìm kiếm từ ngoài EU.

Như vậy, phán quyết trên được coi là chiến thắng đối với những người ủng hộ tự do ngôn luận nói chung và Google nói riêng. Quyết định trên của Tòa án châu Âu sẽ tạo ra một tiền lệ án về hạn chế quyền được lãng quên.

Tuy nhiên, tòa án EU vẫn để mở khả năng khu vực này có thể yêu cầu xóa đường dẫn trên quy mô toàn cầu trong tương lai khi luật này được viết lại và cho phép họ làm vậy. Đồng thời, dù luật EU quy định như vậy nhưng mỗi quốc gia trong khối đều có thể yêu cầu xóa đường dẫn trên toàn cầu nếu hệ thống luật pháp của họ cho phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.