Tác phẩm đoạt giải Nhất: Chuyện chưa kể về mô hình “khoán xe chui” vận tải của tác giả Quang Huy đăng trên Báo Giao thông. |
Cuộc thi được phát động từ tháng 1 - 10/2016 hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công đoàn GTVT VN (18/11/1966 - 18/11/2016).
Theo ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN, cuộc thi viết “Đi trước mở đường” trên Báo Giao thông là dịp để khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn GTVT VN và cổ vũ ý chí quyết tâm của CBCNVC, người lao động toàn ngành, hăng hái thi đua lao động sáng tạo trên các mặt trận GTVT vì sự phát triển của đất nước.
“Cuộc thi góp phần khơi dậy niềm tự hào của cán bộ công đoàn nói riêng và công nhân, lao động toàn ngành GTVT nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp nhân rộng những mô hình, phong trào thi đua sản xuất, sáng tạo, tạo sự lan tỏa, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành GTVT”, ông Việt chia sẻ và cho biết, cuộc thi viết đã có sức lan tỏa lớn trong và ngoài ngành GTVT. Cuộc thi đã thu hút được nhiều tác giả chuyên, không chuyên gửi tác phẩm dự thi. Nhiều cán bộ công đoàn đã và đang công tác cũng có dịp thử sức mình qua các bài viết và đoạt giải cao trong cuộc thi lần này.
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, sau gần 10 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài ngành. Qua sàng lọc, tuyển chọn, Báo Giao thông đã đăng tải khoảng 80 tác phẩm có chất lượng tốt. “Các tác phẩm dự thi đa phần có góc nhìn tươi mới, thể hiện được truyền thống anh hùng “Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo” cả trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước của ngành GTVT và Công đoàn GTVT”, ông Kiên nói.
Trong số này, có nhiều bài viết xuất sắc, lôi cuốn bạn đọc, điển hình như tác phẩm đoạt giải Nhất: Chuyện chưa kể về mô hình “khoán xe chui” vận tải của tác giả Quang Huy. Đây là câu chuyện có thật viết về cựu chiến binh Hoàng Chính Hòa, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng, tác giả của một trong những mô hình “khoán xe” đầu tiên, người từng được đồng nghiệp gọi bằng những cái tên thân mật là: “Hòa khoán xe”, “Hòa mở tuyến”… Đây được xem là mô hình “khoán 10” trong ngành vận tải, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình “khoán xe” cho cá nhân, trở thành mô hình tiêu biểu trong những năm đổi mới.
Hay tác phẩm đoạt giải Nhì: Tháo “ngòi nổ” Nam Triệu thời hậu Vinashin của tác giả Trần Bá Thành - Phương Anh cũng để lại nhiều cảm xúc cho ban đọc. Đây là những câu chuyện, kỷ niệm của một người trực tiếp là Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN - được coi là người trong cuộc chuyên đi tháo “ngòi nổ” cho rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người lao động thời hậu Vinashin. Thông qua đây, bạn đọc có thể hiểu và chia sẻ với công việc của những người hoạt động công đoàn chuyên “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Về các tác phẩm đoạt giải, theo Ban tổ chức, sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, với sự tham gia của các nhà báo chuyên nghiệp, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các tác phẩm dự thi.
Giải Nhất: Chuyện chưa kể về mô hình “khoán chui vận tải” (Tác giả Quang Huy). Giải Nhì: Tháo “ngòi nổ” Nam Triệu thời Vinashin (Trần Bá Thành - Phương Anh) và Những con tàu vượt trùng khơi cứu nạn trên biển (Mai Huyên). Giải Ba: Phải “mắt thấy tai nghe” mới hay người lao động sống thế nào? (Thanh Thúy); Sợi dây gắn kết người lao động với ông chủ tư nhân (Văn Thanh); Thợ cầu Cienco4 không còn lo nơi ăn chốn ở (Đình Quang). Giải Khuyến khích: Nghiệp công đoàn và những chuyến đi “bão táp (Đoàn Văn Bửu); Làm phao cứu sinh tiện dụng từ ý tưởng trẻ trâu (Hồng Xiêm); Mở đường đưa nước về Rừng Lá (Thiện Anh); Điểm tựa ngư dân trên đảo Hoàng Sa (Tấn Việt); Người kiến thiết chương trình đổi mới toàn diện Công đoàn GTVT VN (Phương Quang). |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận