Bất động sản

Trầy trật thành lập ban quản trị nhà tái định cư

11/05/2024, 14:56

Dù đã có quy định về việc thành lập ban quản trị chung cư nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, song việc thành lập ban quản trị ở nhiều chung cư tái định cư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Quá nửa số nhà tái định cư thiếu ban quản trị

Theo quy định, nhà chung cư phải thành lập BQT. Ban này có trách nhiệm quản lý, giám sát và đảm bảo quyền lợi cho cư dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chung cư tái định cư chưa lập ban quản trị.

Đơn cử tại khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Khu tái định cư này có 10 tòa nhà, đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, hiện nay mới 1 tòa nhà có BQT, còn lại 9 tòa nhà chưa có.

Trầy trật thành lập ban quản trị nhà tái định cư- Ảnh 1.

Nhà tái định cư Khu Đồng Tàu, Hoàng Mai, Hà Nội.

Ban đại diện tòa nhà N10 (Khu đô thị Đồng Tàu) cho biết, nếu thành lập ban quản trị cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên. Tuy nhiên, hiện nhiều cư dân không muốn đóng các khoản tiền sử dụng chung.

Ông N.X.K, Ban đại diện tòa nhà N7 (khu tái định cư Đồng Tàu), cho biết, hiện nay, mỗi quý tòa nhà chỉ thu 200.000 đồng/căn hộ để sử dụng cho mọi hoạt động. Trong đó, bao gồm cả sửa chữa, vận hành tòa nhà. Muốn thu thêm cũng khó, do cư dân tại tòa nhà chủ yếu là nông dân mất đất, nhiều người không có việc làm ổn định.

Trong khi đó, ông Vũ Đại Hải, Trưởng ban đại diện nhà tái định cư B12 (ngõ 28 Xuân La, quận Tây Hồ) cho hay, không mấy ai muốn tham gia ban đại diện do mất thời gian, công sức, lại không có quyền lợi.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, đơn vị đang quản lý 77 nhà tái định cư, trong đó 36 tòa nhà đã có BQT, còn 41 tòa chưa thành lập được BQT, chiếm 53% số nhà tái định cư đơn vị đang quản lý.

Đề xuất ngân sách hỗ trợ một lần quỹ bảo trì 

Theo đại diện Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong số 41 nhà tái định cư chưa thành lập được BQT có 34 tòa nhà đã 2 lần tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công. Nguyên nhân là do UBND các phường chưa thực hiện theo đúng quy định. 7 tòa chưa thành lập được BQT là do lỗi của công ty.

Đại diện công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng trình bày những khó khăn, thực tế nhiều cư dân tại các chung cư không muốn tham gia BQT do bận công việc, không có thời gian hay động chạm đến các thủ tục hành chính như bàn giao giấy tờ, sổ sách, cũng như kinh phí bảo trì 2% cho BQT quản lý.

Công ty đã gửi văn bản đến các quận, huyện đề nghị các tòa nhà tái định cư tiếp tục mở hội nghị nhà chung cư bầu BQT theo quy định, vị đại diện này thông tin.

UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý, hạn chế, khắc phục tồn tại, yếu kém, nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành nhà chung cư TĐC trên địa bàn TP.

UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các Sở: Tài chính, KH&ĐT, Ban Chỉ đạo GPMB TP tổ chức rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư cao tầng TĐC do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách và phân ra thành các nhóm. Từ đó phân loại, nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, vận hành phù hợp với từng nhóm.

Cùng với đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc chậm thành lập BQT nhà chung cư; đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thành lập các BQT nhà chung cư tại các tòa nhà chung cư; Nghiên cứu, đề xuất biện pháp xác định rõ ràng, cụ thể vai trò, trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ bảo trì của BQT nhà chung cư, đảm bảo việc sử dụng quỹ đúng mục đích, không thất thoát, tránh khiếu kiện...

Đặc biệt, UBND TP yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chính sách ngân sách TP hỗ trợ một lần quỹ bảo trì cho các chủ sở hữu căn hộ đối với nhà chung cư không có quỹ bảo trì xây dựng trước khi Nhà nước có quy định về thu phí bảo trì; quy định về mức hỗ trợ, dự toán tổng số tiền hỗ trợ; quy định về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ... để làm căn cứ bàn giao cho các hộ dân tự quản lý, vận hành, bảo trì tòa nhà...

Theo Khoản 3, Điều 103, Luật Nhà ở 2014, BQT có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD (sửa đổi 2019, 2021) thì các thành viên BQT nhà chung cư sẽ được trả thù lao. Mức thù lao sẽ do cư dân đóng góp theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư hoặc tham khảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước. Trong đó, thấp nhất là địa bàn thuộc vùng IV (3.070.000 đồng/tháng) và cao nhất là địa bàn thuộc vùng I (4.420.000 đồng/tháng).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.