Trẻ bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh, khắc phục cách nào? (Ảnh minh họa) |
Hỏi: Con tôi năm nay 2,5 tuổi. Khi đi ra ngoài, gặp ánh sáng mặt trời mắt cháu bị chói và nháy liên tục. Tôi đưa cháu đi khám, BS bảo cháu bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh. Mong được bác sĩ tư vấn.
Đặng Thu Hà (Bắc Ninh)
Trả lời: Bệnh rung giật nhãn cầu là bệnh thường gặp ở trẻ em. Rung giật nhãn cầu có thể định nghĩa là tình trạng chuyển động lắc nhanh, không theo chủ ý của nhãn cầu, làm mắt không thể nhìn cố định vào một vật phía trước. Tình trạng rung giật nhãn cầu có thể khiến mắt co giật theo hướng ngang, dọc, lên xuống hoặc xoay tròn.
Nguyên nhân dẫn đến rung giật nhãn cầu rất đa dạng như: Di truyền, bạch tạng, mắc bệnh lý tại mắt, bệnh lý nội khoa… Việc điều trị bệnh rung giật nhãn cầu trước hết cần điều trị các bệnh là nguyên nhân của rung giật. Ví dụ, rung giật do tật khúc xạ thì phải đeo kính (có thể điều trị được hoàn toàn hoặc một phần); Rung giật trong bệnh bạch tạng và các tổn thương tiền đình - mắt bẩm sinh thì không điều trị được.
Có điều không phải trường hợp nào sau điều trị cũng mang đến kết quả khả quan. Rung giật nhãn cầu bẩm sinh là do thị lực mắt từ nhỏ đã rất thấp. Chính thị lực thấp làm cho mắt không định thị được. Do đó, thần kinh điều khiển vận động nhãn cầu không truyền tín hiệu đúng đến cơ vận nhãn một cách liên tục. Hệ quả cuối cùng là cơ vận nhãn bị chi phối liên tục nhưng không cố định và rung giật.
Xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ định hướng có điều trị được hay không và điều trị thế nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận