Ảnh minh họa |
Hồi còn sống, mẹ tôi hay kể về thời bà phải đi ăn, đi ở cho một ông chủ người Tàu. Sau vì tao loạn bà phiêu dạt đến quê tôi bây giờ. Bà gặp bố tôi, khi đó là anh chăn vịt. Hai người gá nghĩa làm vợ chồng. Phải mất bốn năm mới đủ thời gian để chị cả tôi ra đời. Và suốt đời bà không quên được bốn năm “dằng dặc buồn” ấy.
Bởi vì bà bảo đấy là bốn năm bà đi ở tự nguyện. Bốn năm ăn nhờ ở đợ. Bốn năm không có tương lai. Bốn năm bị mẹ chồng dè bỉu, nhiếc móc. Mặc dù ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường... nhưng bốn năm mẹ tôi là người lạ, là khách không mời, là nghiệp chướng... của bố tôi - dưới con mắt bà nội. Bốn năm mẹ tôi dốc vốn nhưng luôn luôn có nguy cơ mất trắng.
Cho đến một ngày... mẹ tôi cảm nhận thấy cái sợi dây máu thịt bắt đầu nối bà với gia đình nhà chồng. Nhưng điều đó chỉ cho bà sự hồi hộp, khấp khởi và lo âu. Nó giống như tâm trạng của người chơi canh bạc vét: Hoặc được cả, hoặc nhẵn túi, tan cơ nát nghiệp. Phải tới khi chị cả tôi ra đời. Đó là một ngày vĩ đại không chỉ của mẹ. Mọi trật tự hà khắc mà mẹ tuân thủ vô điều kiện bị đảo lộn trong hòa bình. Giờ đây mẹ đã liên thông với không chỉ bố tôi, bà tôi, mà cả với toàn dòng họ. Trong tay mẹ có cái sức mạnh không ai có thể chiến thắng được. Mẹ chẳng phải làm gì thêm để thu về toàn bộ giang sơn vốn do bà nội tôi trị vì tuyệt đối.
Tất cả chỉ hơn kém có một đứa trẻ con.
Từ nay cha tôi thoát kiếp trẻ con, vui vẻ chất lên vai gánh nặng cơm áo, lo toan mà trước đó với ông còn giống như một thứ xiềng xích. Bà tôi được trở lại làm trẻ con, lại được nói ngọng, thỏa mãn với mọi sai khiến tai quái.
Chuyện của mẹ làm sáng lên trong tôi vô số điều mù mịt mà tôi tưởng chỉ biết đứng nhìn một cách bất lực. Chẳng hạn nhu cầu được che chở, xả thân như là hành động đi tìm cái đích của cuộc sống thực sự. Những người bị tước quyền này sẽ không bao giờ được nếm vị ngọt ngào của hạnh phúc.
Bởi vì trẻ con không đơn giản chỉ là tương lai - như một tiến trình mang tính chất vật lý - mà ở cấp tinh thần cao nhất, nó giải thoát người lớn khỏi nỗi sợ truyền đời về bóng tối, cô đơn, sự cùng đường - như một Người Ban Phước chưa kịp biết tí gì về ân huệ. Bọn trẻ khiến thế giới vốn có của người lớn, thường là đơn điệu, thành ra súng sính của nả. Chúng sinh ra và thiêng hóa các thứ bậc cao hơn mọi quyền lực. Chúng là những người bán vé cả hai chiều: Tương lai và quá khứ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận