Chất lượng sống

Trẻ em vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên “sập bẫy” cò lao động

17/04/2018, 07:25

Hàng chục trẻ em, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông...

22

Em Thào Thị Gióng (14 tuổi) kể lại những tháng ngày bị giam lỏng trong một xưởng may mặc ở TP.HCM

Hàng chục trẻ em, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, vì tin theo lời “đường mật” việc nhẹ, lương cao, đã bị “cò” dụ dỗ đưa xuống các cơ sở may mặc ở TP.HCM để bóc lột sức lao động, thậm chí bị đánh đập…

“Cò” lao động lộng hành

Vừa trở về từ cơ sở may mặc tại TP.HCM, em Thào Thị Gióng, 14 tuổi, thôn Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), còn chưa nói sành tiếng Kinh kể: “Sau Tết, em và một số bạn trong thôn được một người lạ nói xuống TP.HCM làm việc với mức lương 16 - 20 triệu đồng/năm, chủ nuôi ăn ở. Vì cuộc sống khó khăn, muốn đi làm phụ giúp bố mẹ nên em đồng ý đi theo. Sau đó, họ đưa ra xe khách xuống TP.HCM, rồi dẫn vào một cơ sở may mặc. Tại đây, công việc của em là gấp, đóng gói quần áo, bưng bê nặng nhọc, làm việc tới 23h mới được nghỉ. Bị nhốt trong nhà không được ra ngoài, mệt mỏi xin nghỉ là bị chủ chửi mắng”.

"Theo thống kê đến ngày 20/3, toàn xã có 24 trẻ em (SN 2000 trở lên) bỏ học đi làm ăn xa. Trong đó, có 2 học sinh tiểu học. Học sinh bỏ học chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, học lực yếu, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi nghỉ học, các em theo bạn bè, người quen đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một số khác bị dụ dỗ đưa đi lao động”.

Ông Trương Hữu Phấn
Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Phàng A Páo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Vinh cho biết: “Đầu tháng 3, tôi nhận được thông tin người dân báo, có 3 người đàn ông đi ô tô tiếp tục về thôn đưa người xuống TP.HCM lao động. Tôi đã xác minh và báo cho công an chặn xe nhóm người trên đưa về xã làm việc. Qua điều tra, đối tượng khai đã đưa các em Phàng Thị Ca (16 tuổi), Phàng Thị A, Hờ Thị Gu về TP HCM làm việc. Trước đó, 2 em là Sồng Thị Nênh (11 tuổi) và Hờ Thị Đua (11 tuổi) được bọn chúng đưa đi nhưng còn nhỏ, không làm được nên chủ không nhận khi bọn chúng đưa các em về để tìm người khác thì bị phát hiện. Sau khi bị công an "đánh động", có 5 em được bọn chúng đưa ra bến xe, mua vé cho tự về nhà”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, UBND xã vừa phối hợp với gia đình vào huyện Bình Chánh, TP HCM để đưa hai cháu Thào A Dơ (12 tuổi) và Sùng Văn Sinh (11 tuổi, cùng ngụ thôn Ea Lang, xã Cư Pui) về địa phương. Trước đó, hai cháu bị một đối tượng dụ dỗ đưa xuống TP HCM lao động. Bà Hoàng Thị Pà (mẹ cháu Dơ) cho biết, cách đây khoảng một tháng, một người quen ngụ cùng xã đến đưa cháu Dơ qua huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) để xuống TP HCM làm may với mức lương 13 triệu đồng/năm. Kể từ ngày đưa đi, gia đình không nhận được thông tin gì về con trai cho đến khi xảy ra sự việc.

Em Sùng Văn Sinh nhớ lại: “Do không thạo việc và không hiểu hết tiếng Kinh nên thường xuyên bị chủ đánh. Sợ quá, em và Dơ cùng nhau bỏ trốn, gặp được lực lượng dân phòng của xã Phạm Văn Hai. Sau đó, ông chủ đến Công an xã Phạm Văn Hai đón nhưng tụi cháu rất sợ bị đánh nên không dám quay về đó nữa”.

Nhiều trẻ bị lừa, mất liên lạc với gia đình

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Y Cam, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Trong thời gian trước và sau Tết, tại thôn Phú Vinh có 17 em dưới 16 tuổi, 1 em 17 tuổi bị đối tượng xấu lừa, đưa xuống TP.HCM lao động. Sau đó, có 7 em đã tự trở về nhà, 3 em được chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng đón về. Hiện, vẫn còn 8 em gia đình chưa liên lạc được. Tất cả các em là người dân tộc Mông, chỉ học tới lớp 3, lớp 4 rồi nghỉ. Do nhận thức chưa tốt nên dễ bị bọn xấu lừa đi lao động. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng tìm hướng xử lý. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể, ban, ngành của xã về thôn Phú Vinh tuyên truyền, nhắc nhở bà con tránh để xảy ra tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng đưa con em đi lao động”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đắk Nông, sau khi có thông tin trẻ em vùng sâu, vùng xa bị một số đối tượng dụ dỗ đưa đi làm việc ở ngoại tỉnh, sở đã cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không để con em bị kẻ xấu dụ dỗ. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát, nắm thông tin các em bị đưa đi lao động chưa trở về. “Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, phối hợp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng trẻ em bị lợi dụng đưa đi lao động, bóc lột sức lao động", ông Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.