Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sử dụng hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Nghị định 119 đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1/11/2020 các doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, do tới nay chưa có Thông tư hướng dẫn nên các doanh nghiệp triển khai đã gặp nhiều vướng mắc.
Tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử vào chiều 30/7, bà Nguyễn Hoài Hương - Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET) cho biết, Tổng công ty sử dụng hóa đơn điện tử từ tháng 4/2019. Vấn đề nổi cộm hiện nay mà công ty này gặp phải là chữ kỹ số trên hóa đơn điện tử có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không? "Chúng tôi đã có văn bản hỏi trực tiếp Tổng cục Thuế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc này. Trong khi đó, các Chi cục thuế tại địa phương yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số", bà Hương nói.
Bên cạnh đó, với hóa đơn giấy trước đây, nếu có sai sót, chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Nhưng với hóa đơn điện tử, nếu điều chỉnh 2 nội dung thì phải xuất 2 hóa đơn điều chỉnh. Do đó, khách hàng khi nhận hóa đơn điều chỉnh sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên hóa đơn gốc nhưng đi kèm 2, 3 hóa đơn điều chỉnh. Bà Hương cho rằng, quy định này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khơ Din, GĐ khối khách hàng doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghệ Bkav, Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, trong khi cơ quan thuế đang đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử nhưng các ngành, cơ quan khác lại chưa triển khai đồng bộ.
Ông Din cho hay, khi doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì các đơn vị này chưa chấp nhận loại hóa đơn điện tử. Theo đó, các cơ quan này lại yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi về hóa đơn giấy. “Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc triển khai hóa đơn điện tử”, ông Din nói.
Ngoài các khó khăn mang tính kỹ thuật nói trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, hiện tại chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên mà nhiều doanh nghiệp không lựa chọn hóa đơn điện tử.
Theo ông Lộc, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông. Đi kèm theo đó là nhân lực có trình độ cao để sử dụng hóa đơn điện tử.
Đó là chưa kể đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc khi có sự cố mất điện hay hệ thống bị lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì các doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề với loại hình hóa đơn này. Điều đó có nguy cơ dẫn tới việc chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn điện tử “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.
Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về ngày phát hành và ngày ký có cần thiết phải trùng nhau không, ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết ngày ký và ngày phát hành phải trùng nhau, nếu không có đủ các tiêu chí thì không thể được coi là hóa đơn hợp lệ. Hóa đơn trước khi phát hành cho khách hàng cũng phải có đầy đủ chữ ký số mới được coi là hợp pháp.
Về đề xuất liên kết giữa các đơn vị như cục thuế, kho bạc, bảo hiểm… đại diện Tổng cục Thuế cho rằng để liên kết các đơn vị sử dụng cùng một loại hóa đơn điện tử không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở của mỗi đơn vị; đồng thời điều này còn phải đảm bảo tính pháp lý.
Liên quan đến đề xuất cần ban hành sớm thông tư hướng dẫn Nghị định 119, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu vấn đề này. “Tuy nhiên, đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp có điều kiện mới áp dụng hóa đơn điện tử mà hướng tới việc toàn bộ doanh nghiệp phải thực hiện hóa đơn điện tử. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị nên không thể làm trong một sớm một chiều”, ông Tân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận