Sáng 23/3, tại Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức khai mạc triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023).
Tại sự kiện triển lãm, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Viện trưởng Viện phim Việt Nam cho biết, ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, khai sinh nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Cắt băng khai mạc Triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”
Theo bà Hà, ngành điện ảnh lịch sử 70 năm qua không ngừng được bồi đắp bởi tài năng, tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thông qua việc sáng tạo tác phẩm. Đặc biệt những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, vừa thấm đẫm giá trị lịch sử, nghệ thuật và niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng trong lòng công chúng trong nước và quốc tế.
Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam” tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM nhằm tiếp tục phổ biến rộng rãi giá trị lịch sử và văn hóa của tư liệu, tài liệu, tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với đông đảo công chúng.
Triển lãm trưng bày hơn 200 bức ảnh tư liệu về những sự kiện, tác phẩm và chân dung nghệ sĩ tiêu biểu đã làm nên dấu ấn cho nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua.
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và các đại biểu bên bức ảnh “Bác Hồ với Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III-năm 1962"
Ngoài các chủ đề: Sự ra đời của Điện ảnh cách mạng; Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam; Chân dung nghệ sĩ điện ảnh tiêu biểu... Triển lãm còn giới thiệu ấn phẩm sách “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam - theo dòng lịch sử” (tập 1), do Viện Phim Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2023. Ban Tổ chức còn chiếu phục vụ một số bộ phim của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế.
Cũng theo bà Hà, với nội dung phong phú, được bài trí tại một không gian đẹp, thời gian kéo dài đến hết ngày 6/4, hy vọng sẽ thu hút và mang đến cho công chúng, nhất là sinh viên Trường đại học Văn hóa những thông tin bổ ích, góp thêm một góc nhìn ý nghĩa về lịch sử, văn hóa dân tộc nói chung, lịch sử nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam nói riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận