Chất lượng sống

Trọn vẹn chuyện tình của những cặp đôi khuyết tật

01/07/2018, 07:05

Mỗi người một cảnh ngộ, tuy khiếm khuyết một phần thân thể nhưng họ đến với nhau bằng tình yêu của hai trái tim...

16

Cặp đôi Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức trao nhau chén ly bôi trong ngày hạnh phúc

Chuyện tình của cặp đôi “vàng”

Tại một góc của hội trường lễ cưới tập thể của hơn 40 cặp đôi khuyết tật mới đây, một cặp đôi ngồi trên chiếc xe lăn trao cho nhau chén ly bôi nghĩa tình sau 14 năm chung sống. Đó là chị Hoàng Hồng Kiên (38 tuổi) và anh Phạm Hồng Thức (43 tuổi) - cặp đôi vàng của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam. Giống như bao cặp đôi khác, hôm nay chị mặc một chiếc váy cô dâu lộng lẫy, còn anh thanh lịch với sơ mi trắng kèm cà vạt đỏ. Cậu con trai láu lỉnh, vẻ mặt tươi vui chạy lon ton quanh bàn tiệc trong ngày hạnh phúc của bố mẹ.

Hồng Kiên, cô gái dân tộc Tày, quê Lạng Sơn bị liệt hai chân từ khi 4 tháng tuổi sau một trận cảm. Chính cơ duyên với thể thao, với Pragames đã đưa Kiên gặp Hồng Thức, chàng trai Hà Nội bị cụt chân trong một vụ tai nạn tàu hỏa từ năm 14 tuổi.

Trong sự nghiệp của mình, chị Kiên đã xuất sắc đem về 8 huy chương vàng Pragames, 2 huy chương bạc châu Á - Thái Bình Dương… Còn anh Thức có vô số giải vàng quốc gia. Thời điểm anh chị quyết định đến với nhau vào tháng 10/2004, khi đó tất cả chỉ bắt đầu với hai bàn tay trắng. Vì hoàn cảnh còn khó khăn, nên ao ước có một đám cưới trọn vẹn chưa được thực hiện. Ngoài việc thi đấu thể thao, anh Thức chạy xe ôm, chị Kiên vẫn đi bán chổi để có thêm thu nhập.

“Với người bình thường đã khó, với những người như chúng tôi còn khó trăm bề. Cộng thêm việc không được nhận sự chấp thuận của hai bên gia đình. Nhưng nếu tất cả mọi thứ đều hướng về tương lai thì sẽ có thể vượt qua được”, chị Kiên bày tỏ.

Những “tiếng sét ái tình”

Có lẽ câu ca dao Yêu nhau chẳng quản đường xa/Lá vàng cũng quét, phong ba cũng liều đã đủ để nói về chuyện tình “cổ tích” của anh Nguyễn Văn Quân (34 tuổi) và chị Đặng Thị Bình (42 tuổi). Anh Quân quê ở Tiền Giang còn chị Bình quê ở Sóc Sơn, Hà Nội. Hai người đều bị tật ở chân nên đi lại rất khó khăn. “Khi chúng tôi đến với nhau, ba mẹ không đồng ý và phản đối quyết liệt vì sợ sau này sẽ khổ. Nhưng tình yêu không cho phép chúng tôi rời bỏ. Hồi đó cả hai đã quyết định lên Sài Gòn kiếm sống, sau 3 năm trở về, cuối cùng ba mẹ đã chấp thuận”, anh Quân nhớ lại.

Chương trình đám cưới tập thể cho người khuyết tật vời chủ đề “Giấc mơ có thật” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Phụ nữ Hà Nội tổ chức, nhằm mục đích tạo cơ hội cho những người khuyết tật kém may mắn có một ngày kết duyên ý nghĩa và đáng nhớ. Trong 41 cặp đôi khuyết tật tham gia lễ cưới cập thể đa phần cuộc sống đều khó khăn, sinh sống chủ yếu bằng việc hát rong, bán vé số, tài xế, bán hàng nước… chưa có điều kiện tổ chức đám cưới. Mỗi cặp đôi tham gia lễ cưới lần này sẽ có nhiều quyền lợi như: Được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kết hôn nếu chưa đăng ký, được chụp ảnh và tổ chức lễ cưới miễn phí…

Sau khi chuyển ra Hà Nội sinh sống, với đôi chân yếu, đi lại khó khăn, hàng ngày anh Quân đẩy chiếc loa đi hát rong bán tăm bông, khăn ướt… khắp các khu chợ ở Sóc Sơn. Còn chị Bình đang làm tại một công ty mũ bảo hiểm. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả nhưng anh chị cũng đã có một cuộc sống “viên mãn” bên gia đình nhỏ của mình.

Cũng một ngày cuối tháng 6 hơn 30 năm về trước, ông Nguyễn Hữu Trung (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi) về chung một mái nhà. Một cuộc hôn nhân mà theo lời ông Trung đó là cuộc tình “không gì đơn giản đến thế”. Ông Trung bị khiếm thị từ năm 3 tuổi, cuộc sống sinh hoạt, đi lại khó khăn. Đến năm 20 tuổi được gia đình giới thiệu lấy một cô gái ở vùng Thanh Oai (Hà Tây cũ) làm vợ, đó là bà Tâm. Ngay lần đầu gặp nhau, người thiếu nữ đã dành một tình cảm đặc biệt với chàng thanh niên khiếm thị. “Tôi lấy bà ấy được 30 năm rồi. Cuộc tình của chúng tôi vô cùng đơn giản. Ngày xưa các cụ thân sinh chỉ nói bố mẹ thích cưới cô này cho con, con có đồng ý không. Ở cái tuổi 20 lúc đó, thấy ông bà bảo vậy là gật đầu ngay. Mấy đứa trẻ bây giờ vẫn thường nói đùa đó là tiếng sét ái tình”, ông Trung cho biết.

Nắm tay người vợ chưa một lần tổ chức đám cưới, ông Trung nhớ lại những năm cuối thập niên 80, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc cưới hỏi chủ yếu chỉ hai bên gia đình đồng ý rồi về chung sống. “Hồi đó ăn còn chả đủ làm gì có điều kiện bày tiệc tùng, ảnh cưới, loa đài. Rồi còn thủ tục cắt bánh, rót rượu tây như bây giờ”. Nói tới đây, giọng ông Trung không giấu nổi sự hào hứng: “Chúng tôi quyết định đăng ký tham gia sự kiện này, cho biết cái vị của đám cưới như thế nào. Không ngờ lại có nhiều cặp đôi đặc biệt như chúng tôi đến đây cùng tổ chức đám cưới, đúng là không có ngày nào vui như hôm nay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.