Những ngày này, các văn nghệ sĩ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (Hội LHVHNT Hải Phòng) đang đứng ngồi không yên với thông tin: Trụ sở số 19 Trần Hưng Đạo, Hải Phòng bị thành phố thu hồi và di chuyển nơi làm việc đến khu nhà cấp 4 tại số 6 - 8 phố Minh Khai.
Chứng kiến khu vực được cho là trụ sở mới này, các văn nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng khi thấy một gian nhà tôn tạm bợ đang mọc lên, xung quanh là một số gian phòng xuống cấp, vôi thầu ngổn ngang, dự kiến đây sẽ là văn phòng Hội và nhà kho chứa toàn bộ các di sản văn hóa của Hải Phòng đang được lưu giữ, bảo tồn, triển lãm… tại số 19 Trần Hưng Đạo.
Nơi dự kiến là trụ sở mới của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng đang mọc lên một ngôi nhà tôn tạm bợ
Cách đây hơn 2 năm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã nhiều lần triệu tập cuộc họp với các hội đặc thù của thành phố Hải Phòng (Hội LHVHNT, Hội Bảo trợ người tàn tật, Hội chữ thập đỏ, Liên hiệp các hội KHKT, Hội người mù, Hội Đông y thành phố Hải Phòng v.v.) và đi đến kết luận thu hồi trụ sở của các hội này để “thực hiện việc sắp xếp và xử lý tài sản theo quy định theo hướng ưu tiên sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ nhân dân. Trường hợp không thể sử dụng vào các mục đích công cộng sẽ bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố” (Văn bản số 6443/UBND ngày 13/9/2021 của UBND thành phố Hải Phòng).
Được biết, trụ sở của các Hội đặc thù này đều là những biệt thự cổ, tòa nhà cổ xây dựng từ thời Pháp, liệt vào hạng di sản kiến trúc, tọa lạc ở mặt tiền các phố trung tâm nhất Hải Phòng như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung...
Biệt thự sân vườn đẹp đẽ đậm chất văn hóa số 19 Trần Hưng Đạo - trụ sở Hội LHVHNT Hải Phòng được khẳng định là vị trí “kim cương” vì có 2 mặt tiền, nhìn ra dải công viên cây xanh giữa thành phố, cách Nhà hát và Quảng trường trung tâm thành phố Hải Phòng chỉ khoảng 200m.
Nơi đây đã gắn với tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội của cả nước như Văn Cao, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Lê Đại Thanh, Duy Khán v.v…
Bộ bàn ghế mà nhà văn Nguyên Hồng đã ngồi làm việc sẽ không có chỗ bày tại địa điểm mới chật hep
Đây là ngôi nhà chung của 9 hội chuyên ngành (Hội Nhà văn, Hội Kiến Trúc, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh và Truyền hình, Hội Văn hóa dân gian, Hội nghệ sĩ múa) với hơn 700 hội viên thường xuyên sinh hoạt, hội họp, triển lãm, là nơi khởi nguồn mọi sự sáng tạo của văn nghệ sĩ Hải Phòng.
Với bề dày truyền thống và văn hóa, kể từ khi thành lập (năm 1964) đến nay, Hội LHVHNT Hải Phòng đã đào tạo, phát triển tài năng của hàng ngàn văn nghệ sĩ, đóng góp tác phẩm và sức sáng tạo cho nền văn hóa nghệ thuật cả nước, nhiều tập sách, nhiều vở diễn, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc v.v.. đã được triển lãm, phổ biến và đạt hàng ngàn giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ, khỏe khoắn, mang đậm đặc trưng của thành phố Cảng, thành phố công nghiệp hiện đại, đầu mối về kinh tế, xuất nhập khẩu, an ninh và quốc phòng.
Theo một lãnh đạo của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, qua nhiều lần họp đề đạt trực tiếp, Hội đã có văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố nếu chuyển đổi trụ sở, thì cấp cho Hội Liên hiệp VHNT một địa điểm có diện tích và công năng tương đương, kèm theo đó là đề án kiến trúc và đề nghị xây dựng, cải tạo địa điểm số 6 - 8 Minh Khai (nếu được giao) cho phù hợp với mô hình hoạt động của 9 hội chuyên ngành với hơn 700 hội viên.
Văn bản nêu trên của Hội LHVHNTHP không được phản hồi cụ thể, thay vào đó là văn bản thu hồi và cung cấp địa điểm mới như đã nói ở trên.
Việc sắp xếp trụ sở mới cho Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tại khu vực có gian nhà làm việc và nhà kho cấp 4 tạm bợ này chỉ dựa trên số định biên gần 10 người làm làm công tác hành chính, văn phòng và các biên tập viên Tạp chí Cửa biển - cơ quan ngôn luận của Hội.
Họa sĩ Đặng Tiến, UV Ban Thường vụ Hội LHVHNT Hải Phòng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng ngậm ngùi chia sẻ: “Nhìn ảnh cái "trụ sở" Hội này, nhiều người bảo giống nhà trông trẻ, người bảo không bằng cái nhà văn hóa xã, trạm y tế xã... Vâng, nhưng chính xác nó là bộ mặt văn hoá của thành phố Hải Phòng - đô thị loại 1 cấp quốc gia. Nó cho thấy sự coi trọng, tầm văn hoá của những người có trách nhiệm ở thành phố này”.
Nhìn sang các địa phương lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, trụ sở Hội LHVHNT đều là những tòa nhà ở vị trí thuận lợi cho phát triển và quảng bá văn hóa.
Các văn nghệ sĩ Hải Phòng rất hoang mang bởi trụ sở mới (nếu được cấp chính thức) sẽ rất chật hẹp, chỉ có vài cabin phân chia chỗ ngồi cho cán bộ văn phòng hội, thì 700 văn nghệ sĩ Hải Phòng sẽ sinh hoạt, hội họp, triển lãm ở đâu, các di sản văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh v.v... không có chỗ bảo tồn xứng đáng sẽ dần bị hủy hoại theo thời gian và môi trường.
Trong khi chưa có thời điểm cụ thể về việc chính thức thu hồi trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, các văn nghệ sĩ thành phố Hải Phòng cũng như giới văn nghệ cả nước vẫn mong muốn có sự thay đổi trong tư duy, cách nhìn và sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng về một trụ sở mới đàng hoàng và đầy đủ công năng hơn, để văn nghệ sĩ đất cảng có một tổ ấm xứng tầm với vị thế của thành phố Hải Phòng - đô thị loại 1 cấp quốc gia.
Vũ Thúy Hồng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận