Người dân bị đe dọa sinh mạng, áo phao cứu hộ giá tăng từng ngày
TikToker Phạm Thoại mới đây bày tỏ sự phẫn nộ khi một số cá nhân lợi dụng tình hình lũ lụt để trục lợi. Anh cho hay chỉ một ngày trước, anh hỏi mua áo phao với giá 70.000 đồng/chiếc, nhưng sáng hôm sau giá đã nhảy vọt lên 135.000 đồng.
Anh đã lên kế hoạch mua 800 chiếc áo phao để cứu trợ đồng bào vùng lũ, nhưng do giá áo phao liên tục tăng cao, anh không thể mua đủ số lượng như dự tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyến cứu trợ của mình. Không chỉ Phạm Thoại, nhiều người nổi tiếng khác cũng lên tiếng về tình trạng tăng giá áo phao trong thời điểm khẩn cấp này.
MC kiêm diễn viên Bùi Đại Nghĩa đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng giá mỗi chiếc áo phao hiện đã tăng lên 90.000 đồng. Mặc dù anh không phàn nàn nhiều về điều này, nhưng vẫn bày tỏ nỗi buồn trước tình trạng tăng giá vô lý.
Tương tự, ca sĩ Lý Hải, người luôn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, cũng gặp khó khăn khi cố gắng mua thêm áo phao để gửi ra hỗ trợ người dân miền Bắc. Dù đã rất nỗ lực, nhưng anh vẫn không thể thu xếp được đủ số lượng áo phao cần thiết để cứu trợ kịp thời.
Tình trạng này không chỉ làm cản trở các hoạt động từ thiện mà còn khiến dư luận vô cùng bức xúc trước hành vi trục lợi trong thời điểm người dân cần giúp đỡ nhất. Những hành động thiện nguyện, đáng lẽ phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, lại bị trì hoãn bởi tình trạng "làm giá" vô lý này. Giá áo phao leo thang theo từng giờ, từng ngày, khiến các nhà hảo tâm phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phân bổ nguồn tài trợ, làm giảm hiệu quả của các chiến dịch cứu trợ.
Đặc biệt, tính mạng của người dân trở nên vô cùng nguy hiểm khi phải đối mặt với dòng nước lũ cuồn cuộn, áo phao trở thành một vật dụng không thể thiếu để đảm bảo an toàn. Việc giá áo phao bị đẩy lên cao ngất ngưởng, không chỉ làm tăng gánh nặng lên những người dân vốn đã chịu nhiều mất mát, mà còn khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ trước sự vô cảm và thiếu đạo đức kinh doanh của một bộ phận thương nhân. Khi sinh mạng của người dân đang bị đe dọa, sự trục lợi trên nỗi đau của đồng bào là một hành động khó chấp nhận.
Lợi dụng bão lũ nâng giá bị xử lý ra sao?
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, mặc dù áo phao không phải là loại hàng hóa do Nhà nước định giá cụ thể nhưng các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh mặt hàng này bắt buộc phải niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua.
Điều 29 Luật Giá năm 2023 cũng nhấn mạnh: "Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết". Do đó, việc tăng giá áo phao bất hợp lý, bán cao hơn so với giá niêm yết nhằm trục lợi là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Đặc biệt là trong điều kiện, hoàn cảnh khi mà người dân miền Bắc đang rất cần áo phao để chống chọi với bão lũ, giành giật sự sống thì hành vi trục lợi này cần phải được lên án, thanh tra, kiểm tra và xử lý một cách nghiêm minh.
Theo luật sư, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 50.000.000 - 80.000.000 đồng theo Khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức xử phạt gấp 2 lần mức phạt tiền của cá nhân. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm này.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do gian lận vào ngân sách nhà nước.
Luật sư Sương cũng lưu ý rằng, để kiểm soát được giá mặt hàng này khi bão lũ, thiên tai xảy ra thì trước hết cần có sự vào cuộc sớm của cơ quan, chức năng có thẩm quyền.
Cụ thể là khi nhận được thông tin về việc sắp xảy ra thiên tai, bão lũ cần phải nhanh chóng thực hiện việc kiểm tra, rà soát, vận động, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc bán đúng giá hàng hóa đã niêm yết, bình ổn thị trường, đồng thời tiến hành khảo sát giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cứu hộ, cứu trợ cần thiết để thông báo đến người dân được biết tránh trường hợp tiếp tay cho hành vi trục lợi.
Song song với đó thì Cục Quản lý thị trường ở các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, khi phát hiện có hành vi vi phạm thì phải ngay lập tức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Có nên đưa áo phao vào danh mục bình ổn giá?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thiên tai, bão lũ dự kiến sẽ gia tăng cả về tần suất lẫn quy mô, gây ra nhiều thiệt hại lớn cho Việt Nam. Áo phao cũng như một số mặt hàng cứu trợ khác đóng vai trò trực tiếp đến bảo vệ tính mạng của người dân mỗi khi thiên tai xảy ra.
Được biết, hiện tại, áo phao không nằm trong danh mục các hàng hóa được nhà nước định giá. Trên cơ sở này, nhiều ý kiến đã tranh luận về việc có nên đề xuất thay đổi đưa thêm áo phao hay một số mặt hàng cứu trợ khác trong thiên tai vào danh mục này hay không? Điều này vừa ngăn chặn các con buôn trục lợi, vừa giúp hàng đến tay người dân sớm nhất có thể.
Đối với vấn đề này, luật sư Sương cho biết, theo quy định tại Điều 21 Luật Giá 2023 thì mặt hàng áo phao để được xem là hàng hóa do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: Hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan; Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Hàng hóa, thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy áo phao như một phương tiện cứu hộ, cứu trợ người dân khi đi các phương tiện giao thông đường thủy, tham gia các hoạt động dưới nước hoặc khi gặp thiên tai bão lũ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mặt hàng áo phao này cũng có thị trường cạnh tranh và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng tương tự như khẩu trang y tế bị đẩy giá tăng cao vào thời điểm xảy ra dịch Covid-19 thì áo phao cũng chỉ thực sự được coi mặt hàng khan hiếm, nhu cầu tăng cao trong giai đoạn xảy ra thiên tai bão lũ, khi qua giai đoạn này thì sự khan hiếm và nhu cầu tăng không còn.
Trong trường hợp này, áo phao và các mặt hàng cứu trợ, cứu hộ khác cần được xem xét để đưa vào danh mục mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá vì là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Giá năm 2023, việc xem xét, bình ổn giá sẽ thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường.
Khi đó, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện biện pháp bình ổn giá bằng cách định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa theo quy định tại Điều 19 Luật Giá năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận