Nhà máy bỏ hoang, công nhân thất nghiệp
Ở ngoại ô Trùng Khánh, thành phố lớn nhất miền Tây Trung Quốc, có một khu phức hợp với các tòa nhà màu xám, diện tích khoảng 1.500m2. Hàng nghìn nhân viên từng làm việc ở đây đã chuyển đi, khu vực bốc xếp hàng đã đóng cửa hẳn.
Cơ sở này trước đây là nhà máy lắp ráp và sản xuất động cơ ô tô liên doanh giữa một công ty Trung Quốc và Hyundai, mở cửa vào năm 2017, sản xuất ô tô chạy bằng xăng.
Nhưng Hyundai đã bán khu này vào cuối năm ngoái với giá chỉ bằng một phần nhỏ trong tổng số tiền 1,1 tỷ USD họ đã bỏ ra để xây dựng. Cỏ hoang mọc cao tới đầu gối.
Chị Chu Zhehui, 24 tuổi, làm việc cho hãng xe Trung Quốc Chang'an, đang sở hữu căn hộ nhìn xuống khu phức hợp Hyundai cũ, cho biết: "Nơi đây từng được tự động hóa cao, nhưng giờ chỉ còn là đống hoang tàn".
Cổng vào của Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai tại Trung Quốc bị bỏ hoang.
Theo báo New York Times, nhà máy này là điển hình cho tình trạng dư thừa các nhà máy ô tô Trung Quốc. Hàng chục nhà máy sản xuất xe chạy xăng gần như không hoạt động hoặc đã bị đóng cửa.
Trung Quốc có hơn 100 nhà máy với công suất sản xuất gần 40 triệu ô tô động cơ đốt trong mỗi năm. Con số này gần gấp đôi số lượng người dân Trung Quốc muốn mua xe, trong khi doanh số bán xe xăng đang giảm nhanh.
Doanh số bán hàng của Hyundai tại Trung Quốc đã giảm 69% kể từ năm 2017. Công ty này đã rao bán nhà máy ở Trùng Khánh vào mùa hè năm ngoái, nhưng không hãng sản xuất ô tô nào muốn mua. Hyundai cuối cùng đã bán lại đất, các tòa nhà và phần lớn thiết bị cho một công ty phát triển bất động sản với giá chỉ 224 triệu USD, tương đương thu về chỉ 20% chi phí.
Hyundai là một trong số các hãng ô tô, chủ yếu là các hãng nước ngoài, đã dừng sản xuất hoàn toàn tại một số nhà máy ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô đa quốc gia khác cũng phải giảm sản lượng tại đây. Ford Motor có ba nhà máy ở Trùng Khánh đang hoạt động với công suất rất thấp trong 5 năm qua.
Tương tự, không ít nhà sản xuất nội địa cũng chung cảnh ngộ. Chang’an, hãng sản xuất có nhà máy chỉ cách khu phức hợp Hyundai cũ 20 phút đi bộ cũng có bãi đậu xe rộng hàng nghìn m2 chứa đầy những chiếc xe chưa thể bán.
Ông Michael Dunne, cựu chủ tịch của General Motors Indonesia, cho biết: "Dường như không có nỗ lực phối hợp nào để giảm công suất dư thừa".
Xe xăng đang chết dần?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do nhu cầu mua xe giảm và xe điện ngày càng được ưa chuộng hơn. Tháng trước, lần đầu tiên, doanh số bán ô tô thuần điện và xe lai (hybrid) chạy xăng - điện đã vượt qua doanh số bán ô tô chạy xăng tại 35 thành phố lớn nhất của Trung Quốc.
Theo New York Times, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang chuyển đổi hoàn toàn sang ô tô điện (EV), dự kiến kéo dài nhiều năm và chắc chắn sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà máy ô tô xăng bị ảnh hưởng.
Ô tô mới sản xuất không tiêu thụ được xếp đầy tại bãi đỗ của nhà sản xuất Chang’an.
Trong khi đó, các công ty xe điện của Trung Quốc vẫn đang đầu tư mạnh vào các nhà máy mới. Trong đó, BYD và các nhà sản xuất ô tô khác đã giới thiệu thêm nhiều mẫu xe điện tại lễ khai mạc triển lãm ô tô Bắc Kinh ngày 26/4.
Ông John Zeng, Giám đốc dự báo châu Á tại GlobalData Automotive, cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang trải qua một cuộc cách mạng. Công suất xe động cơ đốt trong cũ đang chết dần".
Các thành phố đặc biệt phụ thuộc vào sản xuất ô tô chạy xăng như Trùng Khánh, còn đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc làm. Việc lắp ráp xe điện cần ít công nhân hơn đáng kể so với sản xuất ô tô chạy xăng, vì xe điện có ít bộ phận hơn.
Các công nhân ô tô ở Trùng Khánh chia sẻ, nếu như những lao động có nền tảng kỹ thuật vững vàng có thể nhanh chóng tìm được việc khi bị sa thải thì những người lao động chưa lành nghề hiện đang gặp khó khăn hơn.
Dấu hiệu xe điện cũng dư thừa
Điều đáng nói là tình trạng nhu cầu giảm, dư thừa xe không chỉ xảy ra với xe xăng mà bắt đầu xuất hiện với cả xe điện. Tuy doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã giảm một nửa kể từ mùa hè năm ngoái, khi chi tiêu tiêu dùng chững lại vì cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở.
Cơ sở sản xuất ô tô của Hyundai tại Trùng Khánh đã được bán với giá cực thấp.
Ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho biết: Đã có xu hướng chậm lại, đặc biệt là đối với xe điện. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất xe điện dù ít hơn so với xe xăng nhưng được đánh giá là dư thừa so với nhu cầu, tất yếu sẽ dẫn tới giảm giá xe.
Thực tế, Li Auto, một nhà sản xuất xe Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, gần đây đã công bố chương trình giảm giá. Tesla dù là hãng xe điện của Mỹ nhưng cũng không đứng ngoài xu hướng.
Hãng đã có quyết định tương tự trong tháng tư vừa qua, sau khi báo cáo lợi nhuận sụt giảm lớn trong ba tháng đầu năm. BYD, công ty dẫn đầu ô tô điện tại Trung Quốc cũng đã giảm giá vào tháng 2. Volkswagen và General Motors cũng đã đều hạ giá ô tô điện tại thị trường tỷ dân.
Theo thống kê, doanh số bán ô tô chạy xăng tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ 28,3 triệu chiếc trong năm 2017 (năm Hyundai khai trương khu phức hợp tại Trùng Khánh) xuống còn 17,7 triệu chiếc vào ngoái. Con số này tương đương với toàn bộ thị trường ô tô của Liên minh châu Âu trong năm ngoái và bằng toàn bộ sản lượng ô tô và xe tải nhẹ hàng năm của Mỹ.
Theo ông Bill Russo, nhà tư vấn ô tô điện tại Thượng Hải, tình trạng dư thừa ô tô xăng tại Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới thế giới vì khi nhu cầu nội địa không còn, họ sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.
Thực tế, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu trong năm 2023, vượt Nhật Bản. Đáng chú ý, 3/4 doanh số ô tô xuất khẩu của nước này là xe chạy bằng xăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận