Xã hội

Trung tá Anh hùng 22 năm cứu người là lẽ sống

16/06/2023, 09:00

Hơn 20 năm “đổi mạng sống lấy mạng chết”, lặn ngụp dưới đáy sông, giếng độc cứu người, Trung tá Nguyễn Chí Thành vừa được phong tặng Anh hùng.

Anh cũng là một trong 75 gương điển hình được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội.

Biết ơn người vợ tảo tần

“Bên dưới hang sâu 280m, bộ đàm mất liên lạc, ròng rọc điện bất ngờ bị hỏng, dây cáp treo tôi lơ lửng giữa không trung. Lúc đó, tôi nhớ về vợ cùng hai con gái nhỏ…”, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an TP.HCM nhớ lại khoảnh khắc trong lần đi cứu nạn ở Hà Giang.

img

Vợ chồng Trung tá Nguyễn Chí Thành

Đó chỉ là một trong hàng trăm lần Trung tá Thành xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để cứu người.

Chúc mừng anh vừa được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tôi cũng nhắc tới kỷ niệm lần đầu tiên gặp anh, đó là vào năm 2008. Hôm ấy đã gần nửa đêm, anh Thành đang ngoi lên mặt nước rạch Bến Nghé, người dính đầy sình bùn đen kịt. Tay cầm cái ví của nạn nhân, anh hét lớn: “Thấy rồi, thấy rồi”.

Trung tá Nguyễn Chí Thành là một tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH. Dù có thâm niên công tác và liên tục đạt nhiều thành tích nhưng đồng chí Thành luôn luôn giữ tác phong kỷ luật cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó. Trong cuộc sống, Trung tá Thành được anh em đơn vị đánh giá là người có cá tính mộc mạc, hòa đồng, sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ khi đồng nghiệp cần.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM

Trên bờ, các lực lượng gồm công an phường, cảnh sát hình sự, CSGT mừng húm, thở phào sau gần 2 giờ chờ đợi lực lượng cứu hộ tìm vật chứng.

Một phóng viên chạy lại gần người thợ lặn cứu hộ định chụp ảnh nhưng chưa kịp nâng máy lên đã phải cúi đầu xuống, nhảy ra xa nôn ói liên tục.

Trong lúc mùi hôi của sình bùn không ngừng xộc lên nồng nặc xung quanh, một cán bộ công an phường hiểu chuyện bèn nói: “Đó, không phải ai cũng làm được nghề vĩ đại này đâu”.

“Hai năm sau vụ đó tôi cưới vợ. Nhiều người nói lập gia đình rồi sao không xin chuyển công tác cho bớt cực, tôi chỉ cười mà không trả lời. Nhưng trong tâm mình nghĩ ai cũng chọn con đường khác, còn ai chữa cháy, ai cứu nạn”. Đến giờ cưới vợ đã 13 năm, chưa một lần hai vợ chồng đi du lịch. Phản xạ lính cứu hộ làm mình cứ canh cánh trong lòng là khi người dân cần, mình về không kịp coi sao đặng”, anh Thành tâm sự.

Đan xen trong cuộc trò chuyện, Trung tá Thành nhiều lần dùng chữ “biết ơn” khi nhắc đến người vợ luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm làm nhiệm vụ.

“Bà xã tôi bao nhiêu năm nay vẫn giữ nếp sống bình dị, tất cả vun vén lo cho chồng con, không son phấn, quán xá gì cả. Khi sinh con thứ 2 thì xin nghỉ việc ở Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố để dành thời gian chăm lo cho 2 con gái”, Trung tá Thành nhẹ lòng khi kể về vợ anh – chị Phạm Thị Thắm (41 tuổi). “Mỗi lần về thăm nhà ở Củ Chi, ba má tôi hay ghẹo: “Vợ chồng bay nghèo thấy thương, thấy “nổi tiếng” luôn à”.

Chọn nghề cứu nạn cứu hộ và trải qua hơn 22 năm công tác, Trung tá Thành chia sẻ: “Cần thấu hiểu được nỗi đau tột cùng của gia đình các nạn nhân và trọng trách, niềm tin mà tổ chức giao phó mới có thể luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Từ lần tham gia cứu hộ đầu tiên cho đến nay, tôi vẫn luôn tâm niệm “vật chất là phù du” và chọn cứu người là lẽ sống”.

Những nhiệm vụ sinh tử

img

Trung tá Nguyễn Chí Thành (đứng giữa) cùng các đồng đội cứu nạn vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2023

Đại tá Lê Tân Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM kể lại: Tháng 4/2002, xảy ra vụ cháy rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Người lính cứu hoả Nguyễn Chí Thành là một trong 30 cán bộ chiến sĩ của đoàn TP.HCM đi tiếp ứng dập lửa.

“Cháy rừng trên diện tích tính bằng km2 kinh khủng lắm, nhiệt độ lúc nào cũng trên 100 độ C. Bên cạnh chiến thuật mà Ban chỉ huy đưa ra, tố chất cảm tử của lính cứu hỏa chính là đòn quyết định để thành công”, ông Bửu kể và nhớ lại, trong trận chiến này, lính cứu hỏa Nguyễn Chí Thành nhiều lần “sẵn sàng chết” trong hoàn cảnh lửa bùng phát trở lại bao vây tứ phía.

“Thấy nó bước ra lảo đảo ngã quỵ xuống nằm bất động, tôi hoảng quá nghĩ “thôi chết rồi”. Nào ngờ mấy phút sau lại tiếp tục kéo vòi nước lao vào dập lửa. Anh em xung quanh thấy vậy cũng xốc lại tinh thần xông lên”, một đồng nghiệp công tác tại Công an tỉnh Long An từng tham gia chữa cháy rừng U Minh Thượng cùng Trung tá Nguyễn Chí Thành kể lại.

Nhưng đó vẫn chưa phải trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời lính cứu hỏa, cứu nạn của Trung tá Thành.

Nhắc đến “người hùng cứu hỏa”, lực lượng PCCC Công an TP.HCM ai cũng nhớ như in những nhiệm vụ tưởng như “truyền thuyết” mà anh đã thực hiện như: Vụ sập giàn giáo CR4 khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tay anh Thành vừa bới đất đá, lưng lại đỡ giàn giáo sau đó ôm nạn nhân lên; Vụ sập hầm nước Sawaco, anh Thành bị nạn nhân hoảng loạn ấn ngược xuống nhưng vẫn bình tĩnh cùng đồng đội cứu sống nhiều người; Vụ chìm tàu Dìn Ký, anh cũng các đồng đội lặn sâu xuống 21m dưới sông Sài Gòn giữa lúc mưa dông lốc xoáy để tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

img

Trung tá Nguyễn Chí Thành

Lần gần đây nhất, Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng các đồng đội tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2023.

Giữa thời tiết -7 độ C ở TP Adıyaman, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã trực tiếp cứu được 1 nạn nhân 14 tuổi sống sót ra khỏi đống đổ nát trong cảm xúc vỡ òa của người thân và các lực lượng quốc tế tham gia tại hiện trường.

Nhắc đến, kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình cứu nạn cứu hộ, Trung tá Thành cho biết: “Nhiệm vụ cứu nạn ở xã Vân Chài, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khiến tôi nổi da gà nhất. Nạn nhân bị rơi xuống hang sâu nhiều ngày. Ban đầu tôi và các đồng đội đặt một con gà vào giỏ và thả xuống đáy. Cách làm này để thăm dò không khí, nếu con gà chết thì gần như không thể xuống dưới vì trong hang thiếu dưỡng khí”.

Nhưng anh và tất cả mọi người đã nhầm. Chiếc giỏ đặt con gà chỉ mới rơi xuống được 80m thì vướng nhũ đá và dừng lại. Anh nhảy xuống độ sâu gấp đôi của giỏ đựng gà và hy vọng sẽ tìm được nạn nhân. Nhưng kết quả là độ sâu thực tế lên gấp 4, gần 300m.

Càng xuống dưới miệng hang càng hẹp, nhũ đá chỉa ra xung quanh. Khi bộ đàm vừa báo “có mưa đá” thì mất liên lạc, ròng rọc điện bất ngờ bị hỏng, dây cáp treo tôi lơ lửng giữa không trung. Xung quanh im lìm, lạnh toát. Nước mưa từ miệng hang đổ xuống liên tục.

“Nếu cứ chịu trận thế này, không biết lúc nào các vách đất, đá ngay phía trên sụp xuống chôn vùi tất cả. Trong bóng tối ngột ngạt, tôi nhớ về vợ cùng hai con gái nhỏ đang đợi mình về và tự nhủ phải cố gắng hơn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để trở về”, Trung tá Thành kể khiến tôi có cảm giác đang xem lại một bộ phim thám hiểm kinh điển nào đó của Hollywood, nhưng đó là câu chuyện có thực.

Trong nhiệm vụ ấy, không những sống sót trở về, Trung tá Thành đã đưa thi thể nạn nhân nặng hơn 70kg lên miệng hang. Nhiều người nhà của nạn nhân đứng xung quanh oà khóc nức nở, liên tục chấp tay vái lạy cảm ơn nhóm cứu hộ…

Phong Anh hùng, tuyên dương điển hình toàn quốc

Tính đến nay, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã tham gia 173 vụ cứu hộ, cứu nạn; cứu sống 82 nạn nhân và tìm được 27 thi thể nạn nhân bị nạn.

Trong hơn 22 năm thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã liên tục đạt 8 danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 8 bằng khen của UBND TP.HCM và lãnh đạo Bộ Công an, 17 Giấy khen của Giám đốc Cảnh sát PCCC, Giám đốc Công an TP.HCM và Cục Cảnh sát PCCC.

Ngày 13/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 704/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân đối với Trung tá Nguyễn Chí Thành.

Anh cũng chính là một trong 75 gương điển hình được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.