Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công táccủa Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc |
Doanh nghiệp bỏ 28,6 triệu ngày, 14.300 tỷ để làm thủ tục
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, hiện hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch thực vật chiếm 0,1%, kiểm dịch động vật chiếm 14,3%, kiểm tra hiệu suất năng lượng chiếm 25,3%, kiểm tra ATTP 19,1%, giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương 41,2%. “Như vậy, tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành đang giữ ở mức 30% - 35% và yêu cầu rút xuống còn 15%. Đây là việc chúng ta quyết tâm cắt gọn giấy phép, những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết”, Bộ trưởng Dũng cho hay, đồng thời nêu lên những con số ấn tượng liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, hiện nay có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư- CIEM, mỗi năm DN bỏ ra 28,6 triệu ngày cộng với chi phí 14.300 tỷ đồng. “Đây đang là vấn đề Thủ tướng quan tâm đặt vấn đề phải cắt giảm chi phí chính thức và công chính thức liên quan đến DN”, ông Dũng nhấn mạnh đồng thời chỉ ra tình trạng thủ tục còn chồng chéo, làm tăng chi phí cho DN. Hiện, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2 - 3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại kiểm tra 3 lần. Ông cũng lưu ý vẫn còn độc quyền trong đánh giá hàng hóa xuất nhập khẩu, có mặt hàng thuộc hàng hóa sản xuất của nhóm đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra.
Đề cập đến hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra độc quyền của cơ quan giám định, kiểm định, chứng nhận, ông Dũng chỉ rõ, có những Bộ chỉ giao cho một cơ quan kiểm định, giám định. “Như vậy, cả nước tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định. Từ đó cho thấy chi phí kiểm định rất lớn, hàng hóa phải vận chuyển từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để kiểm định, giám định. Hàng hóa nhập khẩu thuộc kiểm tra, giám định như vậy tạo độc quyền không cần thiết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và thông tin, hiện còn 5.917 điều kiện kinh doanh của các Bộ tại các cửa khẩu và Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm.
“Cứ như báo cáo thì tốt quá!”
Tại buổi kiểm tra, Tổ công tác của Thủ tướng tập trung nghe giải trình từ 3 Bộ có nhiều thủ tục nhất, phức tạp nhất là Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Bộ đang và sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết 19, trong đó có nội dung về kiểm tra chuyên ngành, với nhiều giải pháp như áp dụng kiểm tra giảm (chỉ lấy mẫu kiểm tra bên ngoài hàng hóa, kiểm tra dán nhãn…), nếu 5 lần liên tiếp doanh nghiệp không có vấn đề gì sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ (không lấy mẫu kiểm tra nữa).
Nghe Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong trình bày với nhiều lý do như phải theo quy định của luật, nhiều khi doanh nghiệp cũng không làm đúng hồ sơ, thủ tục… ông Dũng liên tục ngắt lời và nhấn mạnh thực tế việc kiểm tra hiện nay quá chồng chéo. “Thực tế không như báo cáo. Quan trọng nhất là kiểm tra nhiều nhưng phát hiện không ra. Đừng nói luật như vậy thì ta cứ làm vậy”, Bộ trưởng nói. |
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc lại Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tức là không chỉ thay đổi thủ tục mà còn thay đổi cách thức, công cụ quản lý. Tổ công tác và vị Viện trưởng CIEM đều đánh giá rất cao những nỗ lực của Bộ Công thương, như đã bãi bỏ thủ tục kiểm tra formaldehyte với vải, thủ tục dán nhãn năng lượng… Tuy nhiên, theo ông Cung, còn nhiều nhiệm vụ Bộ Công thương vẫn chưa thực hiện xong, thậm chí chưa thực hiện. “Cho tới ngày hôm qua, doanh nghiệp vẫn đề nghị phải bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng báo cáo về những nỗ lực và kết quả của các Bộ này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “nếu cứ như báo cáo thế thì tốt quá, không cần rà soát nữa”. Bộ trưởng nhắc tới Nghị định 38 năm 2012 về kiểm tra an toàn thực phẩm còn rất nhiều vướng mắc, như quy định làm thủ tục 15-30 ngày, nhưng có thực tế là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”.
Sẽ truy từng thủ tục tại từng Bộ
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ có 8 vấn đề cần tập trung xử lý trong thời gian tới. Trước hết, đề nghị các Bộ tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản mà Nghị quyết 19 và Quyết định 2026 của Thủ tướng đã giao. Tinh thần là lần kiểm tra sau, các Bộ phải hoàn thành 100%.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra, đây là nhiệm vụ tiên quyết. Thứ ba, rà soát số lượng các văn bản quy định về kiểm tra, quản lý chuyên ngành, theo hướng một văn bản có thể điều chỉnh nhiều mặt hàng, thay vì như hiện nay, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản cùng của Bộ NN&PTNT, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng. Thứ tư, rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro. Thứ năm, tăng cường công nhận chất lượng sản phẩm với các nước. Thứ sáu, khắc phục tình trạng một mặt hàng do nhiều Bộ cùng chủ trì kiểm tra. Thứ bảy, đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia. Thứ tám, kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành, theo đó sẽ cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30-35% như hiện nay.
“Tới đây, Tổ công tác sẽ kiểm tra sâu từng thủ tục của từng Bộ, mỗi Bộ phải công khai có bao nhiêu mặt hàng phải kiểm tra. Tại sao mặt hàng này phải kiểm tra, tại sao phải tiền kiểm mà không hậu kiểm, thời gian kiểm tra dài như thế thì phát hiện vi phạm bao nhiêu. Nếu phát hiện vi phạm thấp thì mời Bộ bãi bỏ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận