Ảnh minh họa: Khánh Linh |
Đường phố vùn vụt trôi qua, dù nhanh nhưng chị vẫn không cảm thấy sợ. Chị chỉ lo đến thắt lòng. Một tay chị thi thoảng lại đưa lên sờ lên trán, lên đầu con, xoa nhẹ lên cái tai nho nhỏ của Tun. Như thể làm vậy thì con chị sẽ bớt đau, chị sẽ bớt sợ không bằng. Tự dưng sao khổ thế không biết. Đã đến giờ đi ngủ, tự dưng Tun lại lăn lộn kêu đau. Đang bình thường từ tối, thế mà…
Bệnh viện Nhi cho hay, giờ này cấp cứu không có chuyên khoa. Sao không sẵn tiện đưa bé qua bên khoa Tai mũi họng luôn? Lời đề nghị e dè rớt lại phía sau, trong tiếng xe ôm ậm ì quen thuộc. Chị thậm chí cũng không có nổi giây phút nào nghĩ đến ba cu Tun. Giờ này anh đang ở đâu, làm gì, có biết mẹ con chị đang hớt hải ngoài đường với ông xe ôm quen thuộc hay không?
May quá, chỉ là viêm tai cấp. Không đến nỗi nguy hiểm. Một liều thuốc uống tại chỗ với chai nước lọc của bác xe ôm thân thiết làm cu Tun tươi tỉnh lại, không còn khư khư áp lấy tai. Nó quàng cổ bác xe ôm vẫn hay đón Tun tan học mỗi khi mẹ bận, chỉ tay ra đường, hớn hở cười:
Xe hơi kìa bác!
Thằng nhóc mê xe hơi như điếu đổ. Nó từng thắc mắc vào một lần được đi taxi với mẹ rằng, sao mẹ không mua cho con một chiếc như vậy để đậu sẵn trước nhà mình, khi nào mình muốn đi đâu thì đi! Bộ sưu tập xe hơi đồ chơi của nó cũng có một mớ không ít do bác xe ôm này mua cho. Dù lần nào chị cũng ngại ngần, ngày được mấy cuốc xe bao nhiêu đâu, tính rẻ như lấy tiền xe hai mẹ con Tun thì được mấy chút, mà cứ phải mua quà cho Tun hoài thế này. Đáp lại, là câu cười xòa vui vẻ quen thuộc, y hệt như mấy lần giữa đêm hôm hoặc mưa nắng gì mà chị hớt hải gọi, ái ngại bởi phá giấc ngủ hoặc bữa cơm của bác xe ôm:
Khách quen mà chị, phải giữ mối chứ!
Cũng vì mang tiếng “khách quen”, nên chị đã thiệt tình nhờ bác xe ôm ấy làm dùm công việc nhạy cảm này. Còn biết chia sẻ, tin tưởng vào ai bây giờ. Người mà mình vốn ngỡ thân nhất, gắn bó nhất, tình thật nhất, lại có cảm giác ngày càng xa cách, lừa dối, bưng bít điều gì đó mang hơi hướm phản bội mất rồi. Sống trong nghi ngờ chưa bao giờ là điều hay. Chi bằng hai năm rõ mười, thà đau một lần cho đáng…
Đúng là quả đau này xứng đồng tiền bát gạo thật. Chỉ ngay trong bữa đầu tiên, chị đã nhận được khá chi tiết thông tin từ bác xe ôm quen về việc chồng chị đi đến những nơi đâu từ lúc rời khỏi nhà đầu buổi sáng. “Có vẻ như họ cũng chưa sâu đậm lắm đâu chị. Vẫn còn đi khách sạn chứ chưa đến mức thuê nhà hay mua nhà riêng cho cô kia. Mà cái cô đó cũng còn trẻ lắm đó chị. Phải cỡ bảy tám điểm chứ không có ít đâu. Tui nhìn còn thấy thích nữa là giám đốc như chồng chị…”.
Những lời bộc tuệch của bác xe ôm quen nói thẳng làm chị choáng váng. Dường như nhận ra “thân chủ” của mình đang không được vui vẻ gì, bác xe ôm chuyển sang trạng thái thông cảm:
Mà ba thằng Tun cũng tệ thiệt, vợ đẹp con ngoan không muốn, còn đèo bồng. Chứ như tui, quanh năm thui thủi có một mình…
Việc anh thay đổi thì chị đã mơ hồ cảm thấy lâu nay rồi. Anh đi sớm về trễ, có khi chị cảm giác như chồng chỉ tạt về nhà để ngủ, như một bổn phận. Anh đứng trước gương nhiều hơn, tủ đồ đầy ăm ắp và mỗi khi lại gần chồng, chị nghe thoang thoảng mùi thơm của những thứ hóa mỹ phẩm xa lạ nào đó. Tiền bạc trong nhà, trái lại, eo hẹp một cách khó hiểu. Anh bảo do làm ăn khó khăn, nhà xưởng mới mở thêm cần đầu tư. “Đâu phải cứ làm giám đốc là có để ngồi không ăn sẵn, đến núi còn lở, có đâu… Đi làm thì cũng phải có đồng ra, đồng vô trang trải chứ, cái gì cũng hỏi chồng, coi sao đặng?”.
Anh tạt vào chị câu nói lạnh lùng ấy, khi chị ngại ngần thông báo, nhà còn nợ tiền điện tháng này chưa trả. Lương giáo viên như chị thì đáng là bao, đóng tiền học cho thằng Tun, đi chợ, gạo mắm nữa coi như là hết. May mà chị không se sua chưng diện, quanh đi quẩn lại cũng mấy bộ áo dài đi dạy, thêm mấy bộ đồ tây phòng lúc phải ra đường. Những khái niệm như ra tiệm làm móng, gội đầu hay mua cây son hộp phấn với chị cũng xa xỉ, chứ nói gì đến spa hay nước hoa gì đó cho xứng tầm với cái danh xưng “bà giám đốc”. Chị bấy lâu chỉ lo giữ gìn cuộc sống gia đình cho đường hoàng tươm tất để anh yên tâm, mà quên mất việc chăm sóc bản thân. Nhớ có lần bác xe ôm bảo, tui chỉ thích đàn bà đơn giản hiền hậu, mấy cô xinh đẹp mà điệu đà lười biếng, hung dữ, tui hổng ham. Giờ nghĩ lại, chị băn khoăn với một ý nghĩ kỳ cục, lẽ nào người như mình chỉ xứng với cỡ… bác xe ôm?
Hay tại mình đơn giản quá, quê mùa quá, thực tình quá, nên anh mới chán, mới ngang nhiên có bồ nhí thế này? Phải tút tát lại mới được. Phải cơm canh nóng sốt, nét mặt vui tươi để chồng không có cớ gì hắt hủi. Phải ghen sao cho xứng tầm cô giáo tiểu học, chứ chẳng thể đơn giản như bao nhiêu đàn bà quanh chị, lồng lộn chửi bới, đánh ghen tưng bừng. Thầm lén, chị nghĩ thêm, nếu cần mình sẵn lòng tha thứ, làm lại từ đầu, quan trọng là anh quyết dứt bỏ. Chứ cô kia cũng phận đàn bà, còn nhỏ tuổi, nhiều khi gia cảnh tội nghiệp mới lầm lỡ vậy. Mà đàn ông, dọc ngang ngõ nào rồi thì cũng về thôi, họ đâu phải cố tình muốn thế. Chị bao biện cho chồng. Chị tội nghiệp cho cô gái đáng thương phải chịu cảnh trái ngang. Chị cảm thấy dường như bấy lâu mình đã thờ ơ vô trách nhiệm ít chia sẻ đến mức chồng buồn bã phải tìm kiếm chút niềm vui nơi chỗ khác. Lỗi lầm của chị, suy cho cùng, thật lớn lắm thay!
Mình phải giữ chồng. Giữ cha cho con. Giữ gia đình và danh dự xã hội cho một cô giáo. Nên lúc này đây, chị nửa nằm, nửa ngồi cho cô thợ có đôi bàn thay mềm rượi gãi gãi trên da đầu mình. Dưới chân, một cô thợ khác đang tỉ mẩn cắt da, sơn từng cái móng màu hồng sen thật nhạt.
Thế nhưng, chị chưa kịp thấy hiệu quả của “kế hoạch” hay ho ấy thì chồng chị đã lật bài:
Chúng ta ly dị đi. Thằng Tun cô nuôi, tôi sẽ trợ cấp tháng hai triệu.
Chị thảng thốt, bởi không thể tin là người ta có thể đường hoàng nói ra những lời cạn kiệt tình nghĩa một cách trơn tru như vậy. Không cần hỏi nguyên do, bởi chị đủ thông minh để biết, một khi anh đã về nhà mở lời phủi tay với mẹ con chị, thì anh đã chuẩn bị sẵn kịch bản và lộ trình cho những vướng víu tiếp theo rồi.
Đêm, chị hực lên khóc. Không hẳn vì quá đau khổ thất vọng, mà bởi chị thấy uổng công mình đã nghĩ thế này thế nọ, đã tiến hành những bước thế nọ thế kia, với suy nghĩ và niềm tin ngây ngô rằng, chồng mình chẳng qua ham vui, ừ thì cũng có lỗi do chị… Chị quên mất đã từng nghe thấy ở đâu đó rằng, đàn ông chẳng phải món đồ để muốn bị con nhỏ nào đó cướp là cướp, mà một gã đàn ông, ví như chồng chị, đã cam tâm, đã tình nguyện, đã tạo điều kiện để bị cướp, thì mấy con nhỏ “bảy tám điểm” kia mới có điều kiện để cướp chồng thiên hạ được chứ!
Ngày ra tòa, bác xe ôm quen đến chờ chị và thằng Tun từ sớm. Anh chắc từ cái tổ cúc cu kia ghé tòa luôn, chứ không tạt về nhà nữa. Bác xe ôm “quá lứa lỡ thì” dường như thông cảm cho cú sốc đau lòng của đời chị, nên im lặng không nói năng gì. Chị dưng không thấy nhẹ nhõm chứ chẳng cay cú buồn phiền nhiều như đã tưởng, nên kiếm câu chuyện làm quà:
Anh nhìn kỹ xem, thấy tui được khoảng mấy điểm?
Câu hỏi mà chính chị cũng ngạc nhiên khi thấy nó buột ra khỏi miệng mình. Bác xe ôm hiểu ý liền. Đã mấy năm nay, chị ngồi sau lưng bác tài chuyên lấy giá rẻ này có lẽ còn nhiều hơn ngồi sau xe chồng. Để giờ, chuyện nhà chị, cũng chỉ có mỗi mình bác ấy biết. Chị còn có thể tâm sự với ai, khóc lóc thở than với ai, khi mường tượng ra cảnh thiên hạ sẽ đương nhiên đặt dấu hỏi, một cô giáo tiểu học, phải làm sao nên chồng mới theo gái, bỏ vợ chứ!
Ôi miệng thế gian! Ôi những chuẩn mực xã hội mà một người như chị đã luôn cố gắng để chu toàn, đã vất vả bao năm trong lớp vỏ khô cứng, khổ sở, nhũn nhặn, tiết chế. Đủ cả. Để cuối cùng, chị gặt lại được gì đây, ngoài nỗi chán chê của một ông chồng giám đốc quanh năm đi vắng và nỗi thất vọng của một người đàn bà chuyên “gom” lỗi về mình?
Chị thì chắc cỡ năm điểm. Nhưng chị còn có thằng Tun. Ba thằng Tun khờ quá, tụi nó chuyên ăn tiền mà.
Chị tính bảo, không, tiền của anh ta chắc chẳng phải dễ dàng gì mà ai kia ăn được đâu. Nhưng rồi chị nín thinh trước cái nhìn ái ngại của người đàn ông chung hẻm, thường xuyên lấy cột điện làm nhà, yên xe máy làm giường ngủ. Mọi thứ lúc này quả là vô nghĩa để hơn thua, huống gì…
Tòa xử nhanh, gọn. Chị và thằng Tun được ở lại cái căn nhà bao năm vẫn coi là “mái ấm”. Ra đến sân, chẳng biết nghĩ sao, anh quay sang nói với chị:
Để tôi chở hai mẹ con về.
Chị chưa kịp phản ứng gì thì thằng Tun đã bất ngờ nhanh nhảu:
Thôi, ba về một mình đi. Con với mẹ đi với bác Năm quen rồi!
Chị giật mình nhìn ra cổng sau câu nói đó của con mình. Không dặn chờ đợi gì, nhưng bác xe ôm quen vẫn đang đậu xe dưới cái nắng chang chang ngoài kia. Thấy hai mẹ con chị, bác ta lộ rõ vẻ vui mừng. Bất giác, chị mỉm cười. Dù mưa nắng đêm hôm thế nào, mẹ con chị cũng chưa đến mức cô độc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận