Bất động sản

TS. Đinh Thế Hiển: Không còn chỗ cho đầu cơ, gom đất chờ tăng giá

06/06/2023, 17:16

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển vừa chia sẻ quan điểm của mình về cách thức đầu tư bất động sản trong thời gian tới.

Sẽ khó đầu cơ, thổi giá

Theo ông Hiển, nếu như trước đây, nhiều người đầu tư theo cách mua gom đất, bỏ đấy chờ tăng giá rồi bán kiếm lời. Thì từ 2023 trở đi, nhà đầu tư sẽ phải tính toán đến tính thanh khoản, khai thác của bất động sản. Tức là nhà đầu tư sẽ nghiên cứu xem bất động sản đó có ở, cho thuê được không trước khi xuống tiền.

img

Mua gom đất nông nghiệp để đầu cơ, chờ tăng giá (ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Báo Giao thông về quan điểm này, ông Hiển cho hay, giai đoạn năm 2016 - 2019, thị trường bất động sản lành mạnh. Lúc đó, nhiều người mua căn hộ để khai thác (để ở, làm văn phòng, cho thuê).

Từ năm 2019 trở đi, những người mua bất động sản không để khai thác nữa mà để kiếm lợi dựa trên cam kết sinh lời, mỗi năm hơn chục phần trăm. Họ không quan tâm đến tính khai thác, nhu cầu của thị trường. Sự việc vỡ trận Cocobay là ví dụ điển hình nhất về rủi ro đầu tư chạy theo lợi nhuận cam kết.

Tiếp đến giai đoạn 2020 - 2021, khắp nơi chứng kiến cảnh "sốt đất", nhà nhà buôn đất, người người đi buôn đất, giá bất động sản neo cao.

Ví dụ, đất nông nghiệp ở Bến Tre, giá giao dịch ban đầu từ 1 triệu/m2 không ai mua, giai đoạn đó đã tăng lên 2 triệu/m2 (tăng 100%). Những người mua đất nông nghiệp này chờ giá tăng lên 4 triệu/m2 để bán.

Thị trường chững lại, nhiều người rơi vào tình cảnh vỡ nợ, mà đất không đưa vào khai thác được, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng.

Nhưng từ nay trở đi, nhà đầu tư sẽ phải tính khác, trước khi xuống tiền, họ sẽ phải nghiên cứu tính khai thác, tốc độ đô thị hóa, cơ sở tăng giá của bất động sản. Những bất động sản đó có thể mang lại lợi nhuận ngay trong quá trình khai thác mà không phải chờ đến lúc bán. Thị trường bất động sản lúc đó cũng là một thị trường lành mạnh với nhu cầu thực.

Sự thay đổi này là kết quả của việc kiểm soát rủi ro tín dụng đối với bất động sản thời gian qua. "Tôi ủng hộ việc Nhà nước kiểm soát hệ thống bộ ba giữa ngân hàng - công ty chứng khoán - công ty bất động sản. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế lành mạnh, bền vững...

Sau giai đoạn này, không còn tình trạng bong bóng, "thổi giá" bất động sản, kinh tế sẽ từng bước phục hồi với nền tảng là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực sự. Công ty lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có vai trò...", ông Hiển nhận xét.

Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Theo đó, thị trường có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án bất động sản được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên, đặc biệt vào thời điểm cuối quý.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn: Nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong quý I/2023 có tổng cộng 106.401 giao dịch bất động sản thành công, giảm 35% so với quý IV/2022 chỉ đạt 65% và giảm 39% so với quý I/2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.

Cụ thể: Lượng giao dịch đất nền giảm 55% so với quý IV/2022 và giảm 56% so với quý I/2022. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng gần gấp 4 lần (272%) so với quý IV/2022 và tăng gần gấp 3 lần (gần 193%) so với quý I/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.