Xã hội

Từ 1/3/2022, tài sản vợ chồng chia khi ly hôn được miễn phí trước bạ

17/01/2022, 16:45

Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 10 về lệ phí trước bạ có hiệu lực từ 1/3/2022.

Theo đó, bổ sung trường hợp tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ gồm: Tài sản hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn; Tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hiện nay, trường hợp này không được miễn lệ phí trước bạ.

img

Tài sản vợ chồng chia khi ly hôn được miễn phí trước bạ

Ngoài ra, giữ lại các trường hợp miễn lệ phí trước bạ đối với tài sản đăng ký lại quyền sở hữu, quyền sử dụng, đơn cử như: Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi được cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản do giấy chứng nhận bị mất, rách nát, ố, nhòe, hư hỏng.

Trường hợp khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh chênh lệch diện tích đất tăng thêm nhưng ranh giới của thửa đất không thay đổi thì được miễn nộp lệ phí trước bạ đối với phần diện tích đất tăng thêm.

Nghị định 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2022 và thay thế Nghị định 140/2016/NĐ-CP, Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc phân chia tài sản chung của hai vợ chồng sau khi ly hôn do các bên thỏa thuận. Nếu như không thỏa thuận được, thì việc phân chia sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tài sản chung của vợ chồng là đất sẽ được chia đôi nhưng tính các yếu tố sau: hoàn cảnh của gia đình của vợ hoặc chồng; công sức đóng góp; lỗi của các bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng; lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh để các bên có thể tiếp tục tạo thu nhập.

Tài sản chung sẽ được chia bằng hiện vật, nếu không thể chia bằng hiện vật thì sẽ được chia theo giá trị. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu hai bên đều có nhu cầu sử dụng đất thì sẽ được chia theo thỏa thuận của vợ và chồng hoặc yêu cầu của Tòa án (trong trường hợp không thỏa thuận được). Nếu một bên có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì cứ tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho người kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng. Khi vợ chồng sử dụng đất chung với hộ gia đình, sau khi ly hôn, quyền sử dụng đất sẽ được tách ra và phân chia theo thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án.

Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất ở, đất lâm nghiệp để trồng rừng, việc phân chia sẽ theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Đối với các loại đất khác sẽ được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc phân chia ở của hai vợ chồng khi ly hôn cũng được dựa theo quy định chung của pháp luật về giải quyết tài sản của hai bên. Nguyên tắc là chia đôi nhưng sẽ tính các yếu tố sau: Hoàn cảnh của gia đình mỗi bên. Công sức đóng góp của vợ hoặc chồng. Lao động của gia đình cũng được xem như lao động có thu nhập. Bảo vệ lợi ích của mỗi bên trong việc kinh doanh, sản xuất và nghề nghiệp để các bên đều có điều kiện để tạo thu nhập. Lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng.

Ngoài ra, theo Điều 63 của luật này, vợ chồng ly hôn vẫn có thể ở chung với thời hạn không quá sáu tháng kể từ khi quan hệ hôn nhân chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng và được đưa vào sử dụng chung trong thời gian hôn nhân, nó vẫn thuộc về riêng người đó. Nhưng nếu một bên có khó khăn về chỗ ở, họ có quyền lưu trú trong thời hạn nhất định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.